Sẽ có quy định về điều phối giám sát thị trường tài chính

20:05' - 25/04/2016
BNEWS Ngày 25/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về điều phối giám sát và giám sát chung thị trường tài chính.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cần tăng cường năng lực phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô, chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong phản ứng chính sách kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban này chiều 25/4. Cùng dự buổi làm việc có đại diện nhiều Bộ, ngành và thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. 

Cơ bản đồng ý với báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những cố gắng của Ủy ban trong nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp về điều hành kinh tế vĩ mô, giám sát chung thị trường tài chính; xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát trên cơ sở kết hợp các tiêu chí an toàn tài chính của các cơ quan giám sát chuyên ngành và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với Việt Nam. Ủy ban đã hình thành Kho dữ liệu khá đồng bộ và hoàn chỉnh về toàn cảnh thị trường tài chính; nghiên cứu và áp dụng các mô hình, phương pháp phân tích, tổng hợp để nâng cao giám sát chung thị trường tài chính. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế như quy định về thực hiện chức năng điều phối, giám sát thị trường tài chính và giám sát chung thị trường tài chính vẫn chưa được ban hành, tiến độ báo cáo và chất lượng báo cáo giám sát của Ủy ban còn chậm so với quy định. Chất lượng báo cáo giám sát và việc điều phối hoạt động giám sát còn chưa đồng đều, chưa sâu. 

Phó Thủ tướng yêu cầu trong năm 2016, Ủy ban phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ hoạch định, triển khai hệ thống các giải pháp thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020; đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia.

Ủy ban phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tham mưu chính sách về bảo đảm an toàn nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), phát hành trái phiếu Chính phủ trong cân đối với chính sách tiền tệ, định hướng tái cơ cấu thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm; định hướng hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ủy ban đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về điều phối giám sát và giám sát chung thị trường tài chính, làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan chung và cơ quan giám sát chuyên ngành, vai trò của từng cơ quan trong giám sát an toàn vĩ mô của hệ thống tài chính.

Ủy ban cần phân tích và đánh giá sâu hơn về thị trường chứng khoán, bảo hiểm và các dòng vốn chu chuyển giữa các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; đề xuất các công cụ xác định rủi ro hệ thống đối với thị trường tài chính và rủi ro an toàn vĩ mô, các chỉ tiêu đánh giá an toàn hệ thống tài chính, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế giám sát chung và và giám sát chuyên ngành phù hợp với điều kiện Việt Nam, hướng dẫn theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. 

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong cung cấp, chia sẻ thông tin về thị trường tài chính; kiến nghị, đề xuất ban hành, sửa đổi chính sách, quy định của các Bộ, cơ quan giám sát chuyên ngành để có phản ứng chính sách hoặc xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và phối hợp đánh giá các điều kiện cấp phép trong ba lĩnh vực này.

Ủy ban tiếp tục củng cố và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hệ thống tài chính quốc gia, bảo đảm độ tin cậy, đề xuất cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan giám sát chuyên ngành để phát huy tối đa hệ thống cơ sở dữ liệu. 

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia phải củng cố, kiện toàn tổ chức, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành cơ quan hữu quan để điều phối tốt hoạt động giám sát và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát chung thị trường tài chính quốc gia, góp phần đảm bảo cho nền kinh tế phát triển lành mạnh và an toàn – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn trình bày cho thấy thời gian qua, Ủy ban đã chủ động xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chí giám sát trên cơ sở kết hợp các tiêu chí an toàn tài chính quốc gia và lựa chọn có chọn lọc các chuẩn mực quốc tế theo thông lệ tốt nhất. Ủy ban là cơ quan duy nhất xây dựng được hệ thống chỉ tiêu làm cơ sở giám sát, như hệ thống chỉ tiêu cơ sở giám sát các tổ chức tín dụng gồm 410 chỉ tiêu, hệ thống tiêu chí giám sát thị trường chứng khoán và công ty chứng khoán gồm 41 chỉ tiêu, hệ thống tiêu chí giám sát công ty bảo hiểm gồm 50 chỉ tiêu…

Từ năm 2015, Ủy ban đã áp dụng phương pháp giám sát tài chính dựa trên hệ thống đánh giá mức độ rủi ro và mức độ ảnh hưởng, phương pháp giám sát này giúp Ủy ban nâng cao được năng lực phân tích, đánh giá rủi ro và thông tin cảnh báo sớm. 

Ủy ban đã có nhiều kiến nghị về giải pháp, chính sách có tính khả thi và thực tiễn cao. Trong giai đoạn 2011 – 2015, có 16 kiến nghị của Ủy ban liên quan đến hệ thống tổ chức tín dụng, 20 kiến nghị liên quan đến thị trường chứng khoán, công ty chứng khoán và 8 kiến nghị liên quan đến hoạt động bảo hiểm đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu để bổ sung, chỉnh sửa chính sách pháp luật.

Nhận thức về mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng rất lớn của tập đoàn tài chính đến toàn hệ thống, Ủy ban đã chủ động nghiên cứu chuẩn mực an toàn tập đoàn tài chính theo thông lệ quốc tế và xem xét các yếu tố đặc thù của thị trường Việt Nam, theo đó đã ban hành quy định cơ sở xác định tập đoàn tài chính thuộc đối tượng tài chính giám sát của Ủy ban, quy định khung nguyên tắc giám sát tập đoàn tài chính… Việc ban hành các quy định đã tạo tiền đề quan trọng, là cơ sở giúp Ủy ban có thể đánh giá một cách tương đối toàn diện rủi ro của một tập đoàn tài chính. 

Ủy ban đã phát hiện được nhiều vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa ra những thông tin cảnh báo đối với việc hạch toán cho vay, lãi dự thu, rủi ro chéo và đầu tư chéo, đánh giá thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng… kiến nghị chỉnh sửa quy định pháp luật, đồng thời giám sát nhằm ngăn chặn rủi ro./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục