Sẽ có quy định về giá cho từng lĩnh vực giao thông cụ thể

07:49' - 08/09/2016
BNEWS Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải đẩy mạnh thu hút dự án đảm bảo quyền đi lại tối thiểu của người dân và người sử dụng dịch vụ có quyền lựa chọn khi tham gia giao thông.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án BOT giao thông thời gian qua đã được xã hội ghi nhận, tuy nhiên cùng với đó là dư luận không tốt về những bất cập của dự án.

Phóng viên TTXVN đã cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật xung quanh những giải pháp mà Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện trong thời gian tới để khắc phục những bất cập này.

BNEWS/TTXVN: Trước tiên, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá như thế nào về những đóng góp của các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương xã hội hoá, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đem lại những kết quả tích cực.

Tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý vừa được tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đánh giá về hiệu quả và những đóng góp của các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, việc triển khai đầu tư các dự án BOT phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giám áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước.

Chính yếu tố này đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội được xem xét cụ thể đối với từng dự án ngay từ bước lập dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT. Kết quả tính toán của tư vấn cho thấy, lợi ích kinh tế - xã hội do dự án mang lại là rất lớn như giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hoá, thời gian đi lại của hành khách... so với khi công trình chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng chưa kể các lợi ích về xã hội.

BNEWS/TTXVN:   Không thể phủ nhận những đóng góp của các dự án BOT đối với sự phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, thực tế đang xảy ra những bất cập gây dư luận không tốt đối với hình thức đầu tư này. Vậy đâu là nguyên nhân thưa Thứ trưởng?

Sẽ đầu tư các công trình đảm bảo quyền lợi cho người dân. Ảnh minh họa: Trung Kiên-TTXVN

Về trạm thu phí, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức rà soát toàn bộ các trạm thu phí và kết quả cho thấy đều tuân thủ quy định. Thực tế, trạm thu phí chỉ hình thành ở những khu vực đầu mối về giao thông, gần các thành phố lớn, bến cảng và khu công nghiệp do đặc thù của dự án BOT là thu phí các phương tiện tham gia giao thông để hoàn vốn đầu tư. Đồng thời, việc xác định vị trí trạm thu phí còn phụ thuộc yếu tố địa hình và yêu cầu tránh khu dân cư.

Nguyên nhân còn có một số ý kiến khác nhau về trạm thu phí một phần là do quá trình địa phương tham gia ý kiến chưa tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức xã hội và đối tượng sử dụng đường.

Quy định cho phép đặt trạm có cự ly nhỏ hơn 70 km nhưng việc tuyên truyền không tốt, một số vị trí trạm thu phí lựa chọn chưa thực sự phù hợp. Ngoài ra, việc quy định cự ly tối thiểu 70km cũng chưa có đầy đủ cơ sở khoa học.

Về mức thu phí, trong các hợp đồng dự án, mức thu phí đã phù hợp với khung mức phí quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Riêng lộ trình tăng phí chỉ là dự kiến, sẽ được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét quyết định chính thức phù hợp với điều kiện thực tế.

Tuy nhiên, để xẩy ra hiện tượng người tham gia giao thông phản ánh mức phí cao, chưa phù hợp là do trước đây khi lập dự án đầu tư chưa lượng hóa lợi ích mang lại của tuyến đường sau khi được đầu tư nâng cấp so với mức phí người sử dụng đường phải nộp. Cũng do chưa tuyên truyền sâu rộng đến người sử dụng đường nên họ chỉ thấy mình phải trả tiền mà chưa thấy rõ lợi ích tuyến đường mang lại....

BNEWS/TTXVN:  Rõ ràng, bên cạnh những lợi ích của dự án BOT thì cũng có không ít hệ luỵ đi kèm. Vậy Bộ Giao thông Vận tải đã nhìn nhận vấn đề này như thế nào và có giải pháp gì để tiếp tục khai thác ưu điểm của hình thức đầu tư này nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân - doanh nghiệp và nhà nước?

Thứ trưởng Nguyễn Nhật: Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT cũng bộc lộ một số tồn tại về cơ chế chính sách và công tác quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện các kết quả đạt được cũng như các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; từ đó đề ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn việc huy động nguồn lực từ xã hội.

Đề cập đến những tồn tại, Bộ Giao thông Vận tải nhận định rằng đây là một hình thức đầu tư mới, phức tạp hơn so với đầu tư công truyền thống trong điều kiện thể chế pháp lý chưa hoàn thiện.

Trong bối cảnh nguồn lực đất nước hạn hẹp và nợ công ở mức cao thì giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực giao thông vận tải là tất yếu, là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ cần được tiếp tục thực hiện.

Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực; trong đó có sự tham gia của tư nhân vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với định hướng là đầu tư các công trình xây dựng mới, đảm bảo quyền đi lại tối thiểu của người dân và người sử dụng dịch vụ có quyền lựa chọn khi tham gia giao thông.

Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu thực sự cấp bách, không thể cân đối được nguồn vốn sẽ phải triển khai quy trình tham vấn ý kiến của các tổ chức hữu quan và chỉ triển khai khi có sự đồng thuận của các bên.

Để thực hiện tốt hơn chủ trương huy động nguồn lực đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo để sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư theo hình thức PPP.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính sớm ban hành văn bản quy định về giá, phương pháp xác định giá cụ thể cho từng lĩnh vực của ngành giao thông vận tải (bao gồm cả mức phí khởi điểm và lộ trình tăng phí) đảm bảo chi phí người sử dụng đường trả phải tương xứng với lợi ích mang lại và phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng đường.

BNEWS/TTXVN:  Xin cảm ơn Thứ trưởng!

    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục