Sẽ điều chỉnh giá dịch vụ công theo sát giá thị trường

08:15' - 05/03/2016
BNEWS Năm nay, dự báo giá một số loại dịch vụ công điều chỉnh tăng. Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ sẽ điều hành rất sát thực để không ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Năm nay, dự báo giá của một số loại dịch vụ công và dịch vụ chiến lược được điều chỉnh tăng như: giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục…

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, điều chỉnh giá các dịch vụ này sẽ không ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Do đó, khi thay đổi giá các dịch vụ này, Chính phủ sẽ điều hành rất sát thực để không ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra. Để hiểu rõ hơn, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm xung quanh vấn đề này.
BNEWS: Xin ông cho biết mối tương quan giữa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với tăng trưởng kinh tế. Việc CPI tăng thấp như trong thời gian qua có đáng lo ngại không?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: CPI là chỉ tiêu phản ánh biến động mức giá tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế và không có mối tương quan về biến động tăng CPI với tăng trưởng kinh tế; không phải lạm phát cao, sẽ dẫn tới GDP tăng.

Ví dụ như: Trong năm 2015, yếu tố chi phí đẩy giảm, giá xăng dầu giảm mạnh, giá lương thực giảm, giá các mặt hàng Nhà nước quản lý không tăng cao là một số nguyên nhân chủ yếu làm cho chi phí sản xuất thấp dẫn đến tăng trưởng và lạm phát thấp hay nói cách khác chất lượng tăng trưởng của năm 2015 đã được cải thiện qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Việc CPI tăng thấp không đáng lo ngại mà đây là những dấu hiệu tốt cho phát triển kinh tế, tạo điều kiện để thực hiện chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số dịch vụ công được tính đầy đủ các chi phí theo giá thị trường.

Lạm phát thấp đồng nghĩa với việc tiền đồng của Việt Nam giữ được giá trị, tạo yếu tố tâm lý ổn định trong đầu tư kinh doanh, hạn chế vàng hóa và đô la hóa nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển hơn.
BNEWS: Thưa ông, nhìn lại năm 2015, khi Chính phủ điều chỉnh một loạt giá các mặt hàng dịch vụ công hay các dịch vụ chiến lược, CPI tăng trưởng vẫn thấp. Liệu điều này có tiếp diễn trong năm 2016?
​Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Khi tăng giá các mặt hàng hoặc các dịch vụ công bao giờ cũng có sự phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan.

Sẽ điều chỉnh giá dịch vụ công theo giá thị trường. Ảnh minh họa: Phạm Trường/TTXVN

Trong năm 2015, khi điều chỉnh một loạt giá các dịch vụ này, tại sao CPI vẫn thấp, chúng tôi đã có báo cáo chi tiết, cơ bản là do giá xăng dầu giảm mạnh khiến cho chi phí sản xuất giảm, giá của giao thông vận tải giảm.

Thứ hai là nguồn cung của lương thực, thực phẩm rất dồi dào, đây là nhóm chiếm quyền quyết định trong tính toán CPI. Do đó, trong năm 2015, giá một số mặt hàng dịch vụ tăng nhưng CPI vẫn thấp.
BNEWS: Thưa ông, ông nhận định thế nào về tình hình lạm phát trong năm 2016?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Năm 2016, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP tăng 6,7%, lạm phát dưới 5%. Như tôi đã nói, nhiều khả năng các Bộ, ngành liên quan sẽ trình Chính phủ để điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục để các loại dịch vụ công tiến tới giá thị trường.

Khi tăng giá những loại dịch vụ nêu trên sẽ tác động không thuận đối với người dân vì họ phải chi tiêu nhiều hơn cho những dịch vụ này và sẽ làm tăng CPI.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, lạm phát năm 2016 có nhiều khả năng sẽ không còn giữ ở mức tăng thấp như năm 2015 bởi vì bên cạnh điều chỉnh giá các dịch vụ công, tăng lương cũng sẽ khiến cho CPI tăng.
Do đó, chúng ta cũng cần phải lường được các thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế trong năm 2016. Do điều chỉnh những dịch vụ này không kích thích bên cung và kích thích sản xuất.

Đây cũng là một trong những yếu tố có khả năng làm giảm tăng trưởng kinh tế, vì khi chi phí cho y tế, giáo dục tăng thì người dân phải điều chỉnh lại nhu cầu chi tiêu và ảnh hưởng tới tổng cầu của nền kinh tế.
Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phải phối hợp tốt và hiệu quả trong đề xuất các chính sách liên quan tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế; tiếp tục phối hợp xây dựng các kịch bản chính sách, đánh giá tác động của các kịch bản như thời gian vừa qua trước khi thực hiện.

Bên cạnh đó, thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu cũng rất quan trọng để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
BNEWS: Xin chân thành cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục