Sẽ sàng lọc doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất phân bón

16:30' - 12/10/2015
BNEWS Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát điều kiện sản xuất kinh doanh phân bón, đẩy nhanh cấp phép, sàng lọc doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất.

Ý kiến được nhiều doanh nghiệp kiến nghị tại Hội thảo quốc gia “Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới – Định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón” do Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hơp tổ chức ngày 12/10 là phải kiên quyết xóa bỏ tận gốc các cơ sở sản xuất phân bón giả.

Hội thảo quốc gia “Thực trạng thị trường phân bón Việt Nam và thế giới – Định hướng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón”. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS

*Sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tiêu chuẩn

Theo báo cáo tại hội thảo của Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, số liệu mới nhất cho thấy, trong 60% các tỉnh, thành phố được điều tra tháng 8/2015, có hơn 700 cơ sở sản xuất phân bón.

Riêng Tp. Hồ Chí Minh có 491 công ty, chi nhánh; trong đó có 267 đơn vị sản xuất phân bón thuộc dạng nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn…. Nếu điều tra 100% các tỉnh thành thì con số này sẽ lên trên 1.000 cơ sở; trong đó không ít cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng.

Trong những năm qua, nhiều vụ làm giả phân bón, sai phạm nhãn mác đã được phát hiện và bắt giữ. Có thể kể đến như, Công an Tp. Hà Nội đã bắt giữ 60 tấn phân bón giả NPK; Công an tỉnh Hòa Bình cũng bắt giữ 50 tấn phân bón giả tại huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, hay tại Đồng Tháp, cơ quan chức năng đã thu giữ 775 bao thành phẩm (50kg/bao)… cùng nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng khác.

Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ngành sản xuất phân bón của Việt Nam vẫn là tự phát, chưa có cuộc cách mạng tái cơ cấu hệ thống sản xuất kinh doanh phân bón.

Bộ Công Thương cũng đã có Quyết định số 6868 ngày 27/12/2010 về phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất phân bón giai đoạn 2011-2020 và định hướng 2025.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạc Thuý cho hay, quy hoạch này mới chỉ nằm trên giấy mà chưa đi vào thực tế. Từ tháng 12/2010 đến nay đã 5 năm nhưng chưa làm được gì, thậm chí còn chưa nêu được số lượng cơ sở sản xuất phân bón của mỗi tỉnh là bao nhiêu. Dẫn đến việc cung ứng sản phẩm chồng chéo, phân bón trong Nam đưa ra Bắc và ngược lại ở cùng tên, chủng loại và hệ số phân bón; hệ thống đại lý quá nhiều cầu cấp. Các yếu tố trên làm đội giá thành sản phẩm và tồn tại phân bón giả, kém chất lượng…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng . Ảnh: Đức Dũng/BNEWS

Ngoài ra, trong Nghị định 202/2013/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn về sản xuất kinh doanh phân bón được ban hành, có quy định mở, cho phép các đơn vị sản xuất không có phòng thử nghiệm vẫn được cấp phép sản xuất phân bón. Cụ thể như "cơ sở sản xuất phân bón không có phòng thử nghiệm… thì phải có hợp đồng với phòng thử nghiệm được chỉ định".

Trên thực tế có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không đủ năng lực chuyên môn…, không có phòng thí nghiệm nên thuê bên ngoài giám định chất lượng, kiểm tra chất lương đầu vào, chất lượng sản phẩm đầu ra.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông cho rằng, chỉ cần mỗi đơn vị nhỏ lẻ, không đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất 5.000 tấn phân bón/năm, với 1.000 doanh nghiệp thì con số này đã là 5 triệu tấn, chiếm 40-50% tiêu thụ trên thị trường. Đây là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Doanh nghiệp sản xuất phân bón mà đi thuê phòng, đơn vị thí nghiệm thì không thể chấp nhận được. Chúng ta cần những doanh nghiệp mạnh, doanh nghiệp lớn. Chỉ cần 300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất là đủ đáp ứng cho thị trường. Doanh nghiệp đi thuê phòng thí nghiệm là thiếu năng lực và điều kiện để sản xuất. Do đó, phải siết chặt và thu hồi giấy phép, có như thế mới hạn chế được những cơ sở sản xuất chụp giật, làm rối loạn thị trường phân bón”, ông Phong nói.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực phân bón-hoá chất-cây trồng Nguyễn Đăng Nghĩa, nông dân Việt Nam tiếp tục sẽ chịu nạn phân bón giả, nếu sau hội thảo lần này, các quy định, luật không được siết chặt, không được cải thiện.

“Theo danh mục của các Bộ, ngành thì Việt Nam có hơn 5.000 loại phân bón được vào danh mục. Còn ngoài danh mục thì quá nhiều. Trong khi các nước chỉ có 20-25 chủng loại phân bón; Thái Lan cũng khoảng 100 chủng loại.

Vậy làm sao để quản lý ? Vấn đề này các bộ ngành cần xem xét để quy hoạch lại, theo hướng giảm thiểu số lượng danh mục, để người nông dân và các cán bộ quản lý cũng nắm rõ quy chuẩn; đồng thời phải mạnh tay giải quyết dứt điểm các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng”, ông Nghĩa cho hay.

*Bộ, ngành cần kiên quyết

Theo ông Nguyễn Hạc Thuý, để giải quyết tình trạng phân bón giả, làm rối loạn thị trường, các bộ ngành, cần có chế tài kiên quyết thu hồi giấy phép các cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ vài chục nghìn tấn/năm bằng công nghệ cuốc xẻng, xe trộn bê tông… không có khả năng sản xuất phân bón chất lượng cao theo cây trồng, theo vùng.

Giải quyết vấn đề này, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương sẽ phối hợp, cùng ngồi lại để rà soát các văn bản. Nếu thuộc thẩm quyền của Bộ thì sẽ cố gắng để tháo gỡ cho doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ thuận lợi và sẽ làm ngay sau hội thảo.

Tuy nhiên, ông Trung cũng đề nghị, các địa phương, các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần thực sự vào cuộc. Các doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu kỹ vấn đề, các quy định sản xuất kinh doanh để tránh vi phạm.

Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, Nghị định 202 về sản xuất kinh doanh phân bón đã được ban hành. Bộ cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh, thời gian tới đẩy nhanh cấp giấy phép, sàng lọc những doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất.

Với quy định về vốn, tiêu chuẩn sản xuất thì Bộ cũng sẽ rà soát sao cho hợp lý, nếu cần thì sẽ báo cáo Chính phủ, lựa chọn những doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, đúng quy trình... Bộ sẽ xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc với hành vi sản xuất phân bón giả, kém chất lượng để trong tháng 11 này báo cáo Chính phủ…/.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục