Sẽ sớm có sàn giao dịch vận tải hàng hóa đầu tiên

07:26' - 18/11/2015
BNEWS Hiện Công ty Điện tử Hanel và Công ty Điện tử Vinh Hiển đang hoàn thiện các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật, xin cấp phép thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa đầu tiên.

Việc tổ chức vận tải chưa khoa học là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.

Xe Container vận chuyển hàng hóa của Trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

Đây là lý do để  Tổng cục Đường bộ Việt Nam gấp rút cho ra đời sàn giao dịch vận tải hàng hóa Việt Nam. Phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam về ý nghĩa của việc thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa này.

PV: Ông có thể chia sẻ công tác chuẩn bị cho việc thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa lần đầu tiên có tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong thời gian vừa qua, cụ thể là trong năm 2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng Đề án về đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ và  bảo đảm an toàn giao thông.

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án này là nghiên cứu hình thành các sàn giao dịch vận tải hàng hóa Việt Nam. Ngay sau khi Đề án này được phê duyệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu xây dựng chi tiết Đề án về sàn giao dịch vận tải hàng hóa, đã trình và cũng vừa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục triển khai các bước để hình thành sàn giao dịch vận tải hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể nói, sàn giao dịch vận tải hàng hóa là một trong những giải pháp quan trọng giúp việc tổ chức vận tải khoa học hơn, vì vậy mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện sàn giao dịch vận tải hàng hóa này. Trong khuôn khổ của Dự án vận tải xanh do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, các nước quan tâm đến vấn đề này được tham quan, học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia đã vận hành thành công sàn giao dịch vận tải hàng hóa.

Bên cạnh đó, ADB cũng đã tổ chức hai hội thảo quốc tế với nội dung chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, quản lý các sàn giao dịch vận tải để các chuyên gia đến từ các nước, vùng lãnh thổ như: Mỹ, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Hồng Kông (Trung Quốc) chia sẻ kinh nghiệm....

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức một đoàn công tác gồm các lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (những đơn vị trực tiếp tham gia nghiên cứu, xây dựng sàn giao dịch vận tải hàng hóa Việt Nam) đi tham quan, học tập kinh nghiệm về hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa tại Hồng Kông.

PV: Việc thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa đối với ngành vận tải đường bộ của Việt Nam sẽ có ý nghĩa gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Tôi có thể khẳng định, sàn giao dịch vận tải có ý nghĩa trên nhiều mặt. Thứ nhất, lâu nay hoạt động giao dịch vận tải hàng hóa của Việt Nam chủ yếu được thực hiện dựa trên những mối quan hệ truyền thống, giữa các đơn vị vận tải và chủ hàng. Vì vậy, thông tin về thị trường, thông tin nguồn hàng không đầy đủ. Chính thông tin không đầy đủ này dẫn tới thực trạng là sự kết hợp giữa hàng chiều đi và chiều về thấp.

 Theo khảo sát của ADB, tỷ lệ chạy xe rỗng của Việt Nam là rất cao từ 30-50%. Tỷ lệ xe chạy rỗng cao chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới chi phí logistics trong nền kinh tế của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá chi phí này của Việt Nam chiếm 20% trong khi các nước ASEAN chỉ từ 10-15%. Các nước phát triển như Đức thì chi phí này rất thấp chỉ có 6%.

Mặt khác, trong chi phí logistics, theo tính toán thì chi phí về vận tải chiếm tới 60%. Vì vậy, tổ chức vận tải của Việt Nam hiện nay theo đánh giá là chưa khoa học, dẫn tới rất lãng phí.

Khi sàn giao dịch vận tải hàng hóa hoạt động tốt, các chủ hàng tham gia đầy đủ tích cực, đăng tải toàn bộ thông tin, nhu cầu vận tải của mình lên sàn giao dịch, các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ khai thác thông tin này để giao dịch với nhau, qua đó giúp nắm thông tin để giao dịch kết hợp vận chuyển hàng chiều đi, chiều về được tốt.

Như vậy, nếu như chúng ta tổ chức vận tải khoa học có kết nối tốt giữa các đơn vị vận tải, tỷ lệ vận chuyển hàng hóa hai chiều tăng lên, ngoài việc mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, cho chính các đơn vị kinh doanh vận tải, chủ hàng thì còn góp phần tiết kiệm nhiên liệu, giảm tác hại của việc phát thải khí CO2, góp phần bảo vệ môi trường.

Thứ hai, từ việc tổ chức vận tải hàng hóa khoa học sẽ giảm bớt được lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường, qua đó góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

Thứ ba, khi giao dịch diễn ra một cách công khai minh bạch và các chủ hàng có thể tổ chức đấu thầu khối lượng vận tải trên sàn giao dịch vận tải hàng hóa, giá cước vận chuyển sẽ được minh bạch, qua đó giúp tiếp cận được sát hơn với thị trường, tránh được các khâu trung gian.

Hệ thống kho chứa hàng của Trung tâm Logistics Transimex Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN

PV: Xin ông cho biết phương thức tổ chức, vận hành sàn giao dịch vận tải hàng hóa sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiện nay, phí để khai thác thông tin trên sàn theo hướng chủ yếu thu của các đơn vị vận tải khi họ vào sàn này để tìm kiếm thông tin và giao dịch vận tải hàng hóa. Nếu hiện nay các đơn vị vận tải phải chi cho các chi phí hoa hồng môi giới thì việc thu phí theo hình thức này để khai thác thông tin và giao dịch vận tải thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, so với cái lợi có được từ việc có thể kết hợp vận chuyển hàng hóa hai chiều, thì chi phí bỏ ra để tìm kiếm thông tin và giao dịch vận tải hàng hóa qua sàn giao dịch vận tải hàng hóa lại càng thấp.

Hiện Công ty Điện tử Hanel (Hà Nội) và Công ty Điện tử Vinh Hiển (Tp. Hồ Chí Minh) đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để làm việc với Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương, hoàn thiện các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật, xin cấp phép thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa. Hai doanh nghiệp này đang tích cực nghiên cứu để sớm hoàn thiện các điều kiện về mặt thủ tục hành chính để mở sàn giao dịch trong thời gian tới.

Với chủ trương mở sàn giao dịch theo hướng xã hội hóa, hai doanh nghiệp này đang đứng ra làm thí điểm và sẽ chịu toàn bộ chi phí về mặt bằng, thiết bị và nhân lực. Phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ yếu hỗ trợ thông qua nghiên cứu để hướng dẫn về mặt thể chế, kết nối các cơ quan nhà nước có liên quan, giúp đi học hỏi kinh nghiệm các nước… Tôi hy vọng sàn giao dịch vận tải sẽ sớm đi vào hoạt động.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quang Toàn (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục