Singapore chuyển mình thành nền kinh tế thông minh

07:30' - 04/10/2015
BNEWS Nền kinh tế vốn đã đạt được nhiều thành công của Singapore đang đối mặt với nhiều "sóng gió", buộc họ phải thay đổi.
Một góc đất nước Singapore về đêm. Ảnh: Lê Hải/TTXVN

Một trong những thách thức lớn nhất của chính phủ Singapore sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua chính là làm sao duy trì được chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế, bởi nền kinh tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á này đang có dấu hiệu giảm tốc.

Làm sao để duy trì vai trò là một trung tâm tài chính hàng đầu của khu vực cũng như thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, trong khi quốc gia này lại khá phụ thuộc vào các ngành dịch vụ, thương mại và vận tải biển sẽ là một bài toán cần giới lãnh đạo giải đáp.

Thách thức tăng trưởng

Rõ ràng, nền kinh tế vốn đã đạt được nhiều thành công của Singapore trong 50 năm qua đang bị thử thách trước nhiều "sóng gió".

Phát biểu mới đây, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh đảo quốc Sư tử này sẽ phải đối mặt với ba thách lớn trong 50 năm tới, đó là tăng trưởng kinh tế, dân số lão hóa và duy trì bản sắc dân tộc.

Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng thách thức ngay trước mắt mà Singapore cần phải giải quyết chính là việc đưa nền kinh tế lên một cấp độ mới bởi nếu không làm như vậy, nước này có thể rơi vào tình trạng bất ổn và lo lắng, thậm chí cả sự "vỡ mộng" vốn đã xảy ra ở nhiều nước phát triển.

Sự lo lắng là có thật khi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore liên tục giảm sút từ đầu năm đến nay. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy GDP trong quý II/2015 của Singapore đã giảm 4,6% so với quý trước đó và là mức thấp nhất kể từ quý III/2012.

Năm 2014, GDP của Singapore tăng trưởng 2,9%. Nếu nhìn vào mức tăng trưởng trung bình của suốt 50 năm qua là 7,5% thì có thể thấy tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Những khó khăn từ nội tại nền kinh tế trong quá trình tái cơ cấu cũng như những tác động của các yếu tố bên ngoài đã khiến cho chính phủ nước này liên tục phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay.

Theo dự báo gần đây, nền kinh tế Singapore có thể chỉ đạt tốc độ tăng trưởng từ 2-2,5% trong cả năm 2015.

Các nhà phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do chính phủ áp dụng chính sách hạn chế người lao động nước ngoài trong nhiều năm qua, dẫn đến việc thị trường lao động bị thắt chặt, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu suất kinh tế của Singapore.

Singapore có ý định ngăn lao động nhập cư. Ảnh: Reuters

Theo BMI Research -một bộ phận của nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Fitch Group, các nhà sản xuất tại Đảo quốc Sư tử đang phải vật lộn với chính sách thắt chặt tiêu chuẩn thuê nhân công và tăng thuế thu nhập đối với các lao động nước ngoài.

Ngành dịch vụ cũng bị ảnh hưởng lớn do các chính sách hạn chế việc tuyển dụng lao động nước ngoài...

Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây cũng thừa nhận "nếu đóng cửa với công nhân nước ngoài, nền kinh tế Singapore sẽ lâm vào khủng hoảng".

Hơn nữa, là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu, Singapore cũng đang phải đối mặt với bài toán "đầu ra" khi thị trường thế giới liên tục sụt giảm cả về giá cả cũng như nhu cầu...

Tiên phong xây dựng quốc gia thông minh

Công nghệ sẽ là nền tảng để Singapore xây dựng chương trình Quốc gia

thông minh. Ảnh: Mỹ Bình/TTXVN

Nhận thức được những thử thách trước mắt, chính phủ Singapore đã chủ trương đi đầu trên thế giới về việc xây dựng Đảo quốc Sư tử thành một Quốc gia thông minh (Smart nation).

Đây cũng chính là “tầm nhìn dài hạn” mà Thủ tướng Lý Hiển Long đặt ra cho Singapore trong giai đoạn phát triển tiếp theo, là điểm nhấn quan trọng và là sự khác biệt để tạo thành công.

Với nền tảng là đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, biến công nghệ thành tác nhân quan trọng phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống, chương trình Quốc gia thông minh cùng với sáng kiến Kỹ năng cho tương lai (SkillsFuture) được kỳ vọng sẽ là những tác nhân quan trọng giúp Singapore có thể chuyển đổi mô hình kinh tế thành công.

Theo đó, chương trình Quốc gia thông minh của Singapore tập trung vào 3 mục tiêu chính: Hỗ trợ người già; cải thiện, nâng cao chất lượng giao thông vận tải và khai phá dữ liệu an ninh, an toàn.

Ba mục tiêu này có ý nghĩa lớn cả về mặt kinh tế và xã hội bởi Singapore đang trong quá trình già hóa dân số với tỷ lệ 1/9 là người già (trên 65 tuổi).

Dự báo sau 15 năm, tỷ lệ người già sẽ tăng ở mức “báo động” là 20%, ngang với Nhật Bản. Chính vì vậy, việc tích hợp các giải pháp và công nghệ (máy cảm biến, hệ thống theo dõi, hỗ trợ sức khỏe từ xa…) sẽ góp phần giúp tầng lớp người già ở Singapore có cuộc sống độc lập và ý nghĩa hơn.

Nhận định về chương trình này, Tiến sĩ Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc bộ phận hợp tác và nghiên cứu của Ngân hàng Sumitomo Mitsui tại Singapore cho rằng đây là một đề án đầy tham vọng nhưng cũng rất có ý nghĩa bởi trong bối cảnh lượng lao động không thể tăng lên. Chính phủ Singapore buộc phải chuyển hướng sang nền kinh tế mà dựa vào chất xám nhiều hơn là lao động thuần túy.

"Sự chuyển hướng của chính phủ Singapore là đáng hoan nghênh nhưng câu hỏi đặt ra liệu họ có thực hiện được hay không? Tôi cho rằng chính phủ Singapore hoàn toàn có thể làm được bởi họ có tiền, có năng lực và lịch sử đã chứng tỏ được khả năng của họ theo đuổi những dự án tham vọng có thể nói là rất mới mẻ so với thời đại," ông Ngọc nói./.

Mỹ Bình (P/v TTXVN tại Singapore)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục