Sóc Trăng đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

19:55' - 08/05/2018
BNEWS Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh Sóc Trăng còn gặp nhiều hạn chế từ nhận thức đến hành động.
Anh Trần Văn Phục (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) đã chuyển 3 ha từ trồng nhãn da bò sang trồng nhãn Ido (giống Thái). Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Đó là nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí tại Hội nghị tổng kết công tác Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Sóc Trăng năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018 diễn ra vào chiều ngày 8/5. 

Thời gian qua, mặc dù tỉnh Sóc Trăng đã cụ thể hóa các văn bản của Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế bằng các chương trình hành động, kế hoạch hành động và tăng cường thông tin tuyên truyền song nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và doanh nhân chưa cao - ông Trí khẳng định. 

Ngoài các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến xuất khẩu đã có nhiều nỗ lực trong kinh doanh quốc tế thì phần đông (99%) doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Từ nhận thức đến hành động của doanh nghiệp có khoảng cách khá lớn để có bước đi phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế. Cụ thể, trong cung cách sản xuất còn riêng rẽ, cá thể, sản xuất thực phẩm không an toàn, thiếu coi trọng chữ tín. 

Mặt khác, tính năng động của con người và doanh nhân trên địa bàn chưa cao, kỹ năng kinh doanh hiện đại không có, hiểu biết và tuân thủ pháp luật trong kinh doanh còn kém; liên kết của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh còn yếu. 

Trước những thách thức của bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng Đề án Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. 

Năm 2018, Sóc Trăng tiếp tục thực hiện một số công tác có tính trọng tâm về hội nhập kinh tế như: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và doanh nhân bằng các buổi nói chuyện chuyên đề về hội nhập kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các đề án đào tạo như đề án ST 150. 

Tại hội nghị, ông Lê Thành Trí yêu cầu từng ngành chọn sản phẩm để xây dựng chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc và chọn ngành hàng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thu hút nguồn vốn đầu tư công nghệ nước ngoài. 

Hiện Sóc Trăng có 11 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực may mặc, chế biến thủy sản, gia công vàng bạc với tổng vốn đăng ký gần 2.480 tỷ đồng. Các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và góp phần tạo việc làm, chuyển giao công nghệ. 

Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện 6 dự án ODA về rừng ngập mặn, nguồn lợi ven biển, chuyển đổi nông nghiệp bền vững, quản lý thủy lợi và 3 dự án do tổ chức Phi chính phủ tài trợ về phát triển chăn nuôi bò sữa, bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo… 

Nững năm qua, Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như: đối thoại định kỳ với doanh nghiệp, triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp… 

Các sở, ngành và địa phương triển khai lồng ghép nhiều chương trình, kế hoạch hành động liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước; tăng cường thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt về vai trò, vị thế, các thành tựu của ASEAN và tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thách thức của Việt Nam khi tham gia cộng đồng này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục