Sóc Trăng: Kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh

07:18' - 17/10/2017
BNEWS Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương VACOD-Sóc Trăng 2017

Hội nghị có chủ đề: “Phát huy thế mạnh doanh nghiệp trong chuỗi liên kết vùng miền”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá, hội nghị là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi hợp tác nhằm phát huy thế mạnh trong chuỗi liên kết vùng.
Sóc Trăng là mảnh đất giàu tiềm năng, lợi thế, đã và đang có một số mặt hàng nông sản, thực phẩm nổi tiếng, tạo thương hiệu cho địa phương, như hành tím Vĩnh Châu, gạo đặc sản ST, gạo tài nguyên Thạnh Trị, bánh Pía, lạp xưởng, tôm nước lợ… có giá trị kinh tế cao và là mặt hàng xuất khẩu được nhiều thị trường ưa chuộng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm trên 600 triệu USD.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn qua hội nghị giới thiệu tiềm năng cơ hội đầu tư, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản thực phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Qua đó, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tìm kiếm được cơ hội đầu tư tại Sóc Trăng, cũng như cơ hội liên kết để tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, nhằm đáp ứng thị trường.
Hiện Sóc Trăng đã xây dựng 89 dự án trên các lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, điện gió, du lịch… để kêu gọi đầu tư nhằm tạo sự bứt phá phát triển nhanh, mạnh và bền vững…

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đã cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch VACOD cho biết: Hàng năm VACOD luôn tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại du lịch và chương trình giao lưu doanh nhân 3 miền Bắc - Trung - Nam tại các tỉnh thành trên khắp cả nước.

Với những lợi thế của Sóc Trăng, qua hội nghị này, VACOD mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tìm cơ hội đầu tư và phát triển thị trường, quan tâm đến thị trường du lịch tại Sóc Trăng cũng như các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Ông Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 50 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của Sóc Trăng và giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2017 của tỉnh đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Sóc Trăng đã từng bước được hình thành, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Riêng về hỗ trợ khởi nghiệp, ngoài việc ươm tạo các doanh nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp Sóc Trăng cũng đã phối hợp Tỉnh đoàn phát động cuộc thi “Tuyển chọn ý tưởng khởi nghiệp năm 2017” nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và tuyển chọn các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, khả thi để ươm tạo tại vườn ươm trong năm 2017.

Qua đó, phát huy vai trò thúc đẩy kinh tế của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó Tổng Giám Đốc Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang đã chia sẻ kinh nghiệm đầu tư vào Sóc Trăng: Bên cạnh mục tiêu mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh thì một mục tiêu rất quan trọng của Superdong là đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - du lịch của các huyện đảo.

Sóc Trăng là địa điểm mà doanh nghiệp quyết định đầu tư do có vị trí thuận lợi và sự kêu gọi, tâm huyết đối với nhà đầu tư từ Ban Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Tỉnh.

Sau một thời gian ngắn tiếp xúc và làm việc với lãnh đạo tỉnh, sự hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan ban ngành tỉnh Sóc Trăng, Superdong tiếp tục là doanh nghiệp tiên phong đưa tàu cao tốc kết nối đất liền từ huyện Trần Đề - Sóc Trăng đến với Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu).
Bày tỏ về sự hiểu biết Sóc Trăng, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: Sóc Trăng là một tỉnh ven biển ở Tây Nam bộ, thuận tiện giao lưu hàng hóa trong nước và quốc tế, có thể phát triển hệ thống cảng sông, cảng biển, kể cả cảng biển nước sâu ở Trần Đề, có Nhà máy Nhiệt điện Long Phú đang triển khai.

Sóc Trăng đã bước đầu tận dụng được lợi thế và tiềm năng vùng ven biển để phát triển; trong đó có nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến thủy hải sản và hạng mục công trình phục vụ dân sinh quan trọng. Với vai trò ngày càng tăng lên của biển đảo và phát triển điện gió, các doanh nghiệp công nông nghiệp phục vụ nuôi trồng thủy hải sản có thể xem là bước đột phá để đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã hoan nghênh sáng kiến tổ chức Hội nghị kết nối giao thương của Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam với tỉnh Sóc Trăng và Chương trình Giao lưu doanh nhân 3 miền Bắc-Trung-Nam.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm tạo cơ hội cho các doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội, các nhà nghiên cứu, quản lý gặp gỡ, kết nối hoạt động kinh doanh, phát huy thế mạnh doanh nghiệp trong chuỗi liên kết vùng miền.

Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước… ./.

Xem thêm:

>>>Kết nối giao thương dệt may Việt Nam - Ấn Độ

>>>Cà Mau sản xuất liên kết chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ trong nuôi tôm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục