Sớm có hành lang pháp lý cho hoạt động của xe 4 bánh chạy điện

16:25' - 22/03/2016
BNEWS Hiện đang có tình trạng buông lỏng quản lý cho nhiều xe điện chạy vượt ra khu vực hạn chế. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành những quy định để quản lý chặt chẽ loại xe này.

Tại hội nghị Sơ kết đánh giá triển khai thực hiện thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện do Bộ Giao thông Vận tải vừa mới tổ chức, nhiều đại biểu đánh giá, sau thời gian thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng điện để phục vụ nhân dân và du khách đã đạt được những kết quả rất tích cực. 

Xe điện có ưu điểm là chạy tốc độ chậm, an toàn; hoạt động mới lạ, văn minh cho du lịch, giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Điển hình bao gồm: cơ bản đảm bảo tuyệt đối an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm… 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, đang có tình trạng buông lỏng quản lý cho nhiều xe điện chạy vượt ra khu vực hạn chế. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành những quy định để quản lý chặt chẽ loại xe này.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, ngoài 4 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm, còn có một số địa phương khác như Khánh Hòa, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa loại hình xe 4 bánh chạy năng lượng điện này vào hoạt động chở khách du lịch theo nhu cầu thực tế của địa phương.

Đại diện lãnh đạo Công ty Đồng Xuân (doanh nghiệp có 40 xe điện hoạt động tại phố cổ Hà Nội) cho biết, công ty bắt đầu đưa xe điện vào khai thác từ năm 2010. Qua 5 năm hoạt động, xe điện có ưu điểm là chạy tốc độ chậm, an toàn; hoạt động mới lạ, văn minh cho du lịch, giảm ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, chi phí tiết kiệm với giá 300.000 đồng/h, vì thế đã đóng góp 7 tỷ đồng vào ngân sách. Nếu xe điện đảm bảo đỗ, dừng đúng điểm sẽ không để xảy ra tai nạn.

Vì vậy, Công ty Đồng Xuân đề nghị được mở rộng phạm vi hoạt động từ phố cổ ra khu vực Lăng Bác và Hoàng thành Thăng Long. Ngoài ra, Công ty Đồng Xuân cũng đề nghị trong thời gian đầu cần giảm thuế để khuyến khích loại hình này .

Ông Võ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho hay, năm 2011 địa phương được cho thực hiện thí điểm đưa xe điện trong 3 năm với 110 xe.

Xe điện giúp giải quyết được công ăn việc làm, dẹp được tình trạng xe ôm chèo kéo khách. Ảnh minh họa: TTXVN

Qua mấy năm hoạt động cho thấy, loại hình này đem lại nhiều thuận lợi, an toàn cho khách du lịch.Hiện mỗi năm, Cửa Lò đón khoảng 2,5 triệu hành khách. Vì vậy, lượng xe điện thực đang hoạt động tại thị xã khoảng 500 xe, vượt số lượng đăng ký. 

Để thuận lợi cho việc quản lý chất lượng, ông Võ Văn Hùng đề nghị Chính phủ cho loại xe này hoạt động chính thức. Ngoài ra, trên thực tế có nhiều xe điện chưa có giấy tờ đầy đủ, do đó để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ cho cơ chế hợp thức hóa tồn đọng, để tạo hành lang quản lý. 

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, hiện xe điện tự phát phát triển mạnh. Chỉ tính riêng tại Thanh Hóa và Nghệ An đã là 900 xe, đã gần con số thống kê chính thức trên toàn quốc. Vì thế, vấn đề cấp bách là quản lý chặt, trước mắt để tạo điều kiện cho công tác quản lý cần xây dựng các quy định tạm thời để quản lý loại xe này.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho rằng, đây là loại xe chưa đạt chuẩn an toàn như ô tô. Các nước cũng không cho chạy lẫn vào các phương tiện khác nên cần phải đưa ra những quy định quản lý chặt chẽ.

Còn theo Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) Nguyễn Ngọc Tuấn, hiện Bộ Công an đã cho đăng ký hoạt động tại những khu vực hạn chế trên 1.269 xe. Tuy nhiên có thực tế là hiện vẫn còn nhiều xe điện không được đăng ký vẫn hoạt động.

Có thể thấy xe 4 bánh chạy bằng điện cũng có thể được xem như xe mô tô điện. Vì vậy có thể miễn giấy tờ nhưng nhất thiết những xe đó phải có hóa đơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục