Sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

09:54' - 29/03/2016
BNEWS Hàng loạt những vấn đề xung quanh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã được các đại biểu trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình): Sửa Luật lần này kịp thời, đáp ứng được yêu cầu cam kết trong hội nhập

"Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi lần này là cần thiết. Tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua vì chúng ta đang cam kết thực hiện theo lộ trình WTO, trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có tác động rất lớn, vừa đáp ứng việc thực hiện cam kết hội nhập quốc tế, vừa khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển. Nhiều dòng thuế mà chúng ta thực hiện theo đúng cam kết, thực chất sẽ có lợi cho doanh nghiệp.

Việc sửa thuế lần này có sự điều chỉnh tốt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng như khuyến khích các doanh nghiệp làm tốt công tác xuất nhập khẩu trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực kê khai thuế và áp các dòng thuế cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu còn có tác dụng rất lớn về mặt thể chế. Chúng ta đã thực hiện được một công thức chung đã cam kết.

Từ việc giảm thiểu thủ tục hành chính, kê khai thuế, cho đến thủ tục xuất nhập khẩu, lưu kho, lưu bãi, cho đến các thủ tục xuất nhập khẩu hải quan… Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian lưu kho, lưu bãi, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí.

Tôi cho rằng, chúng ta không còn con đường nào khác, doanh nghiệp không thể một mình một sân chơi mà phải hòa nhập với quốc tế.

Muốn hòa nhập được vững vàng thì tự các doanh nghiệp phải tính đến việc nâng cao khả năng trình độ, kiến thức quản lý, trình độ ngoại ngữ và chuẩn mực trong các hoạt động của doanh nghiệp".

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc): Sửa đổi Luật hướng đến một mục đích của toàn xã hội

"Bên cạnh việc sửa đổi Luật thuế này, tôi thấy việc áp dụng tự vệ cho các mặt hàng sản xuất trong nước để bảo vệ sản xuất cũng như bảo vệ cho người tiêu dùng. Đây là một biện pháp không phải riêng đối với Việt Nam và các nước cũng áp dụng.

Trên thực tế, hiện tại Việt Nam đang có tình trạng, nếu đưa ra thuế phòng vệ cho các mặt hàng mà nếu không cân nhắc một cách kỹ thì gây thiệt hại đến người tiêu dùng. Chúng ta không khuyến khích sản xuất trong nước cũng như cạnh tranh trong các doanh nghiệp khi chúng ta có nền kinh tế hội nhập sâu và rộng như hiện nay.

Theo quan điểm của tôi, khi đưa ra các hàng rào, các thuế phòng vệ thì phải ưu tiên đến thị trường, quan tâm thị trường nhiều hơn. Đồng thời, phải biết tận dụng tối đa của hội nhập trong kinh tế vĩ mô.

Chẳng hạn, khi giá thép, xăng dầu trên thế giới đang giảm thì phải tận dụng nguồn trong khi chúng ta sản xuất ra, giá trị của ta đang cao hơn thế giới thì ta không nên xây dựng hàng rào tự vệ để bảo vệ nguồn sản xuất trong nước dẫn đến người tiêu dùng bị thiệt hại.

Hay, gần đây nhất là thuế tự vệ áp dụng cho khối thép là 23%, và 14,2% đối với thép dài nhập khẩu. Từ ngày 23/3 bắt đầu có hiệu lực nhưng trước đó 1 tuần thị trường thép đã lên tới 2.000đồng/kg, có chỗ lên tới 3.000đồng/kg và có hiện tượng găm hàng để chờ tăng giá, dẫn đến một điều là người tiêu dùng thiệt hại, giá thành trong xây dựng tăng lên, giá trị vật liệu cũng tăng.

Vậy, bài toán đặt ra là có nên xây dựng cái hàng rào để bảo vệ nguồn sản xuất trong nước không.

Quan điểm của tôi là khi chúng ta xây dựng những hàng rào và thuế phòng vệ thương mại thì chúng ta phải quan tâm đến bài toán kinh tế vĩ mô, tức là đến sản xuất trong nước, người tiêu dùng.

Chúng ta phải cân đối lại các thành phần kinh tế và hướng tới mục đích cao nhất là người sử dụng thì chúng ta mới đạt hiệu quả trong vấn đề đưa ra về hàng rào thuế quan.

Khi tất cả các nước có hàng rào hoặc có quyền bảo vệ lợi ích phát triển kinh tế cũng như phát triển doanh nghiệp trong nước và sản xuất trong nước như: đưa ra thuế phòng vệ nhưng trường hợp vừa rồi, đưa ra thuế phòng vệ đối với ngành sản xuất thép là chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của xã hội.

Để cho người dân được hưởng lợi, chúng ta cần đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Khi một Luật thuế chúng ta đưa ra, chúng ta cần hướng đến một mục đích chung, tức là lợi nhuận của xã hội, mục tiêu cuối cùng phải là phát triển kinh tế xã hội, chứ không phải một chính sách đưa ra nhằm phục vụ trong một giới hạn hạn hẹp."

Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN

Ông Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Cần công bằng giữa các thành phần kinh tế khi hội nhập

“Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu lần này được sửa đổi theo xu hướng hội nhập; trong đó có bổ sung một số điều khoản thuế, liên quan đến vấn đề chúng ta bảo hộ, cũng như đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế khi hội nhập hiện nay.

Đối với giãn thời gian nộp thuế, không chỉ ưu tiên cho thành phần có vốn đầu tư nước ngoài mà cần áp dụng chung cho cả các thành phần kinh tế khác. Đó là đảm bảo mặt bằng công bằng cho các thành phần kinh tế trong vấn đề nộp thuế cho nhà nước cũng như là miễn giảm thuế”./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục