Sức ép về việc làm, thất nghiệp đã giảm

16:45' - 30/10/2015
BNEWS Thị trường lao động Việt Nam trong quý II/2015 có khá nhiều điểm sáng, sức ép của việc làm, thất nghiệp đã giảm nhẹ.

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức hội thảo công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động số 6, quý II/2015. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, thị trường lao động Việt Nam trong quý II/2015 có khá nhiều điểm sáng, sức ép của việc làm, thất nghiệp đã giảm nhẹ.

Công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động số 6, quý II/2015 . Ảnh: Linh An/Bnews/TTXVN

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động số 6, quý II/2015, so với quý I/2015, lực lượng lao động tăng 73 nghìn người, số người có việc làm tăng 103 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp giảm 15,2 nghìn người so với quý trước đó.

Về tình hình việc làm, trong quý II/2015, cả nước có 52,53 triệu người có việc làm. So với quý I, lao động tăng nhiều nhất ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành thông tin và truyền thông; xây dựng… Trong khi đó, các ngành giảm lao động nhiều nhất là ngành giáo dục và đào tạo; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản…

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, nhóm giảm việc làm phần lớn nằm trong khu vực dịch vụ, do ảnh hưởng của chính sách hạn chế tuyển dụng biên chế của khu vực nhà nước. Khu vực này còn bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập, cải cách trong ngành ngân hàng, đặc biệt là sự thay đổi trong thị trường bất động sản.

Như vậy, lao động trong ngành dịch vụ đang có xu hướng thu hẹp lại. Hai ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ sử dụng lao động nhiều và có tốc độ tăng trưởng GDP cao, còn các ngành khác lại sử dụng ít lao động hơn.

Mặc dù kinh tế phát triển, nhưng mô hình việc làm không tăng. "Điều này có mặt tốt là giúp chúng ta tăng được năng suất lao động, nhưng nếu chúng ta không kịp chuyển đổi thì những việc làm không thể bền vững", bà Lan Hương nói.

Lực lượng lao động trong quý này có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 10,77 triệu người, trong đó, trình độ đại học trở lên là chiếm cao nhất, thấp nhất là lao động có trình độ cao đẳng.

Sức ép về việc làm và thất nghiệp đã giảm đáng kể trong thời gian qua.

Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN

Bản tin cho thấy cơ cấu trình độ đại học trở lên/cao đẳng/trung cấp/sơ cấp phản ánh sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đào tạo, nguy cơ này sẽ gia tăng khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Về tình trạng thất nghiệp, trong quý II, cả nước có 1.144,6 nghìn người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ thất nghiệp độ tuổi thanh niên trong quý II tiếp tục tăng 6,68%, cao gấp 2,8 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung, tăng 0,08 điểm phần trăm so với quý trước.

Bà Hương nhận định, mức độ tăng của dân số trong độ tuổi lao động đang chậm lại, các chính sách về việc làm trong thời gian tới cần phải thay đổi. Kết nối cung cầu theo cấp trình độ, theo nghề vẫn còn có khoảng cách.

Nguồn lao động có trình độ cao và thấp dư thừa còn lao động có trình độ bậc trung lại đang bị thiếu hụt, trong khi cầu lao động lại tăng chậm 0,81%. Tuy vậy, thị trường lao động quý II/2015 đang dần đi vào điểm uốn, lực lượng lao động và việc làm sẽ không có sự chuyển dịch nhiều.

Về vấn đề tiền lương, trong quý II, thu nhập bình quân theo tháng từ việc làm chính của lao động làm công hưởng lương là 4,46 triệu đồng/người. Thu nhập bình quân của lao động nông thôn thấp hơn đáng kể so với thành thị.

Bà Hương cho hay, hai khu vực có tiền lương cao nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI và doanh nghiệp vốn nhà nước./.

Linh An

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục