Sức sống mới của làng nghề Hàm Giang

14:48' - 14/02/2016
BNEWS Hàng trăm người thợ dân tộc Khmer ở làng nghề đóng giường tre xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã vượt qua hoàn cảnh nghèo túng, có được cuộc sống khá sung túc.

Từng nếm trải không ít năm tháng thăng trầm, nhưng vì yêu nghề cha truyền con nối và biết tương trợ cùng nhau làm ăn tập thể mà hàng trăm người thợ dân tộc Khmer ở làng nghề đóng giường tre xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã vượt qua hoàn cảnh nghèo túng, có được cuộc sống khá sung túc.

Trút bỏ cái nghèo

Bây giờ đến làng nghề đóng giường tre Hàm Giang, điều ấn tượng đối với khách là không khí lao động sản xuất thật sôi động. Đi dưới những con đường rợp mát bóng tre của các ấp Trà Tro A, Trà Tro B, Trà Tro C, tiếng đục, tiếng cưa, tiếng gọt vỏ tre cứ âm vang liên hồi như phum sóc nơi đây đang vào hội.

Gọi là làng nghề nhưng “thủ phủ” của làng nghề được đóng đô tại ấp Trà Tro B, nơi có đến 98% hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer. Theo các vị cao niên của làng nghề, thì nghề đóng giường tre của địa phương được hình thành đến nay gần 50 năm.

Làng nghề đóng giường tre xã Hàm Giang, huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã hình thành được hơn 50 năm. Ảnh: Phúc Sơn - TTXVN

Do điều kiện đất đai ở đây phần nhiều là giồng cát cao, chỉ có tre mới có thể sống trụi lá trơ cành chịu đựng qua những tháng mùa khô khắc nghiệt. Không đất, thiếu đất sản xuất, sẵn có nguồn nguyên liệu tre làng, một số người khéo tay đã tạo kế sinh nhai bằng cách lấy tre làm giường, làm thang, làm chõng... đem bán.

Buổi đầu chỉ vài hộ làm, dần dần người biết chỉ người chưa biết, theo thời gian hình thành nên cả làng nghề. Tuy nhiên, những người thợ đóng giường tre Trà Tro B đã trải qua không ít những năm tháng khó khăn ở thập niên 90, khi sản phẩm tre trúc bị “thoái trào” bởi các sản phẩm bằng nhôm, nhựa.

Ông Thạch Hoàng, thợ đóng giường tre đã hơn 40 năm kể, những năm 1990, đóng một cái giường tre đem bán cả tuần mới được. Cuộc sống gia đình của hầu hết người thợ lúc đó rất khó khăn. Tuy vậy, không ai nỡ bỏ nghề, vừa làm cầm chừng vừa tìm phương kế sinh nhai khác để sống. Nhờ vậy, làng nghề vẫn đứng vững cho đến khi những sản phẩm bàn ghế tre, giường tre “giành lại” được thị trường của riêng mình.

Năm 1995, Trà Vinh và một số tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, phát triển nghề nuôi tôm sú rầm rộ đã mở ra một thị trường lớn cho sản phẩm bàn ghế tre, giường tre và trở thành “cứu cánh” cho làng nghề ở Hàm Giang. Hàng trăm nghìn căn chòi canh giữ tôm, ai cũng có nhu cầu ít nhất là một chiếc giường, một bộ bàn ghế.

Mà giường tre là sản phẩm tiện lợi “tứ mặt”: bền, giá rẻ, gọn nhẹ, không lo bị mất cắp. Bình quân, một giường tre loại lớn (1,4m x1,9m) thời gian sử dụng khoảng 10 năm, giá chỉ có 300.000 đồng, thấp hơn 4 lần so với giường bằng cây gỗ tạp. Nhờ vậy, mà làng nghề Hàm Giang bắt đầu được vực dậy với một sinh khí mới.

Anh Thạch Trì Cảnh, một thợ trẻ cho biết, để đóng một cái giường lớn thì tiền mua tre nguyên liệu, tiền công thợ từ 160.000 - 200.000 đồng. Mỗi ngày anh đóng được 2 chiếc giường tre và một tháng 2 lần đem sản phẩm đi bán, mỗi lần kiếm được tiền lời hơn 4 triệu đồng. Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, mà gia đình anh nay đã khá giả.

Còn vợ chồng anh Thạch Thắng - chị Sơn Thị Phe Ri xuất thân trong một gia đình có 3 đời chuyên sống bằng nghề làm mướn. Nhưng kể từ ngày theo nghề đóng giường tre thì anh Thắng - chị Phe Ri đã trút bỏ được cái nghèo. Gia đình anh chị hiện nay đã xây dựng được một căn nhà tường thật khang trang trị giá hơn 250 triệu đồng.

Giường tre được phơi khô trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh : Phúc Sơn - TTXVN

Hướng tới thị trường xuất khẩu

Có thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng người dân làng nghề Hàm Giang vẫn gặp phải khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất. Biết được “cái khổ” của người dân làng nghề, năm 2010, UBND xã Hàm Giang chủ trương vận động các hộ làm nghề thành lập Tổ hợp tác đóng giường tre để vừa tương trợ nhau trong sản xuất, đầu ra sản phẩm, vừa có điều kiện thuận lợi để vay vốn ưu đãi của ngân hàng.

Kết quả, xã thành lập được 7 tổ hợp tác với 366 gia đình chuyên sống bằng nghề đóng giường tre tham gia. Theo đó, cứ 2 thành viên của tổ hợp tác được Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh hỗ trợ một máy khoan trị giá 6 triệu đồng để giảm bớt công lao động thủ công, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng sản phẩm làm ra.

Bên cạnh đó, UBND xã Hàm Giang còn bảo lãnh với Ngân hàng Chính sách - xã hội chi nhánh huyện Trà Cú cho vay vốn ưu đãi vay từ 4 - 7 triệu đồng /hộ để các thành viên tổ hợp tác chủ động mua trữ nguyên liệu sản xuất. Nhờ vậy, làng nghề đóng giường tre Hàm Giang bắt đầu có một sức sống mới.

Sản phẩm bàn ghế tre, giường tre của làng nghề Hàm Giang bây giờ không chỉ bán cho vùng nuôi tôm sú, mà nó đã len lỏi lên phố thị ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả Tp. Hồ Chí Minh, góp phần giúp cho nghề đóng giường tre xã Hàm Giang ngày càng phát triển.

Bình quân mỗi tháng làng nghề cung cấp ra thị trường từ 500 - 700 sản phẩm giường tre, bàn ghế tre các loại. Thu nhập bình quân của một người thợ từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Sử dụng máy khoan thay cho đục thủ công đã rút ngắn một nửa thời gian làm ra sản phẩm. Ảnh: Phúc Sơn - TTXVN

Anh Kim Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Hàm Giang cho biết, để đảm bảo cho làng nghề đóng giường tre ở địa phương sản xuất bền vững, xã Hàm Giang đang vận động, khuyến khích các tổ hợp tác cùng nhau tiến tới thành lập hợp tác xã để làm ăn. Hiện nay, tuy tham gia vào tổ hợp tác nhưng sản phẩm làm ra thì mạnh ai nấy tự tiêu thụ, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán không lành mạnh.

Bước đầu, xã đang tranh thủ một số ngành tỉnh hỗ trợ đầu tư máy cưa tre, đục lỗ, bào mắc tre cho tổ hợp tác đóng giường tre để máy móc hóa, thay cho thủ công. UBND xã cũng đã tổ chức các đợt đi tham quan ở một số làng nghề khác ngoài tỉnh để bà con làng nghề học tập, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm phong phú, mẫu mã đa dạng hơn.

Làng nghề đóng giường tre Hàm Giang không thể phát triển với cái vòng quẩn quanh làm ra những sản phẩm bàn ghế tre, giường tre rồi mạnh ai nấy tìm thị trường tiêu thụ. Những người thợ của làng nghề đang tìm cách đưa sản phẩm của làng nghề hướng đến hàng thủ công mỹ nghệ trang trí độc đáo để vươn tới thị trường xuất khẩu.

Đây cũng là một hướng đi đúng đắn, đang được nhiều người hưởng ứng nhằm hướng làng nghề tới sự phát triển bền vững, góp phần đưa cuộc sống người dân làng nghề nơi đây trở nên sung túc hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục