Tại sao lúa mỳ của Argentina bị Hàn Quốc từ chối?

05:30' - 28/07/2016
BNEWS Việc sử dụng lúa mỳ chất lượng thấp với hàm lượng đạm ít làm thức ăn chăn nuôi đang trở nên khá phổ biến hiện nay.
Lúa mì được sử dụng thành thức ăn chăn nuôi . Ảnh: Reuters

Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc đã từ chối nhập khẩu lúa mỳ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi của Argentina sau khi phát hiện chủng biến đổi gen không được chấp nhận theo các quy định về an toàn sinh học trong lô hàng lên tới trên 70 ngàn tấn này.

Trong thông cáo mới đây, Bộ nông nghiệp Hàn Quốc tuyên bố: “Sau khi kiểm định 72.450 tấn lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ Argentina vào ngày 12/6, chúng tôi đã phát hiện ra giống không được chấp thuận thuộc LMO (sinh vật biến đổi gen sống) và đã yêu cầu loại bỏ hoặc gửi trả lại toàn bộ lô hàng".

Loại lúa mì chất lượng thấp thường được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Trong tháng 6/2016, Hàn Quốc đã nhập khẩu 396.900 tấn lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi của Argentina trên tổng lượng nhập khẩu là 910.946 tấn.

Nhiều cơ sở chăn nuôi thường tìm mua các giống lúa mỳ kém chất lượng do thời tiết xấu hoặc hàm lượng protein thấp để làm thức ăn cho đàn lợn và gia cầm từ các khu vực vành đai nông nghiệp lớn trải dài từ Mỹ cho đến Colombia, Việt Nam và Indonesia.

Nhờ các vụ mùa bội thu và giá thấp nên việc thu mua lúa mỳ giá rẻ và chất lượng thấp để làm thức ăn cho gia súc có xu hướng tăng hơn so với các lựa chọn khác như ngô.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA ), những vụ mùa bội thu tại các nông trại ở Mỹ, khu vực Biển Đen , châu Âu và Australia có khả năng đẩy kho dự trữ lúa mỳ toàn cầu tăng lên mức kỷ lục trong năm thứ ba liên tiếp niên vụ 2016/17.

Tuy nhiên, các vấn đề về chất lượng đã gây áp lực lên giá thành, mặc dù nhu cầu về lúa mỳ hiện cao hơn nhu cầu về ngô – loại thức ăn cho gia súc chủ yếu vốn cũng phải chịu áp lực từ nguồn cung toàn cầu dư dả.

USDA tuần trước đã nâng dự báo về nhu cầu tiêu thụ lúa mỳ toàn cầu trong năm tới thêm 13,3 triệu tấn lên 144,42 triệu tấn - mức cao nhất từ trước đến nay.

Cách đây khoảng 4 năm, việc sử dụng lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi đã xuất hiện sau một đợt hạn hán khắc nghiệt xảy ra tại Mỹ khiến sản lượng ngô của nước này bị sụt giảm.

Một thương gia Đức yêu cầu giấu tên cho rằng, lúa mỳ chưa thể thay thế ngô 100%, nhưng các nhà sản xuất thức ăn gia súc và các nhà nhập khẩu sẽ sử dụng lúa mỳ trong một giới hạn nhất định. Nhu cầu đối với lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi đã tăng mạnh từ một số nhà nhập khẩu châu Á lớn, chẳng hạn như Indonesia và Hàn Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục