Tập đoàn Aeroport de Paris và BIDV đề nghị làm cổ đông chiến lược tại ACV

17:45' - 09/12/2015
BNEWS Nhà đầu tư chiến lược của ACV có thể là nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với ACV và hỗ trợ ACV sau cổ phần hóa…

Sáng ngày 10/12, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ tổ chức bán đấu giá 77,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh.

Phóng viên BNEWS đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV trước thời điểm IPO.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Ảnh: Diệu Linh/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Thưa ông, thời điểm ACV sẽ chính thức IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh đã gần kề. Đến nay, toàn bộ công tác chuẩn bị cho quá trình này đã được hoàn tất?

Ông Lê Mạnh Hùng : Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh đã có hơn 114 triệu lượt đăng ký mua cổ phiếu của ACV, cao gấp 1,5 lần số lượng cổ phiếu dự kiến bán ra. Điều này cho thấy những thành công bước đầu của tiến trình cổ phần hóa Tổng công ty.

Ngoài các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã thể hiện sự quan tâm rất lớn tới cổ phiếu của ACV. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng sự kiện IPO của ACV sẽ thành công như mong đợi.

Phóng viên: Cùng với việc IPO, ACV cũng đã tiến hành lựa chọn nhà đầu tư chiến lược?

Ông Lê Mạnh Hùng : Vấn đề mấu chốt của công tác cổ phần hóa doanh nghiệp là tìm được nhà đầu tư chiến lược. ACV cũng đã có văn bản trình Bộ Giao thông Vận tải về đề xuất tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty và cũng đã được Bộ trưởng phê duyệt.

Theo đó, nhà đầu tư chiến lược của ACV có thể là nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, có năng lực tài chính, có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với ACV và hỗ trợ ACV sau cổ phần hóa…

Tính đến thời điểm hiện nay đã có hai công ty là Tập đoàn Aeroport de Paris (ADP) của Pháp và Ngân hàng BIDV đã gửi văn bản đề nghị làm cổ đông chiến lược tại ACV. Chúng tôi sẽ tiến hành đàm phán và lựa chọn dựa trên các tiêu chí đã đề ra và đảm bảo tối ưu hóa lợi ích của ACV sau ký kết.

Phóng viên: Bên cạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ, ACV có nhiệm vụ đảm bảo công tác liên quan tới an ninh – quốc phòng, an toàn và quy hoạch phát triển vùng miền theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Những hoạt động này có được tính vào chi phí kinh doanh của ACV sau cổ phần hóa hay không?

Ông Lê Mạnh Hùng : Trong quá trình triển khai định giá tài sản, chúng tôi đã tách phần liên quan tới các hoạt động an ninh quốc phòng và phục vu đất nước ra khỏi giá trị tài sản của công ty. Như vậy, tà̉i sản của ACV sau định giá không bao gồm giá trị các tài sản tại khu vực phục vụ hoạt động bay.

Việc này sẽ đảm bảo cho quyền lợi cho các nhà đầu tư của ACV trong tương lai, đồng thời đảm bảo duy trì đúng các nhiệm vụ mà ACV được Đảng và Nhà nước giao phó trong các hoạt động liên quan tới an ninh – quốc phòng và an toàn lãnh thổ.

Tháng 3/2016, ACV sẽ chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Kể từ thời điểm đó, toàn bộ công tác liên quan tới quản trị nhân lực, hình thức kinh doanh và tài chính của công ty sẽ được thực hiện theo mô hình công ty cổ phần, với hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận.

Do đó sẽ không để xảy ra tình trạng mâu thuẫn trong hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ Nhà nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

Phóng viên: Việc huy động một nguồn vốn lớn cho phát triển dự án sẽ được ACV tính toán như thế nào sau cổ phần hóa thưa ông?

Ông Lê Mạnh Hùng : Việc đầu tư cho hạ tầng cảng hàng không thường đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn, cần sự góp vốn từ nhiều đối tác khác nhau.

Sau cổ phần hóa Tổng công ty mẹ, ACV sẽ tiếp tục thực hiện việc cổ phần hóa một số công ty con và tiến hành đầu tư nâng cấp cũng như xây mới các cảng hàng không sân bay quốc tế và nội địa, như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cải tạo và nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, dự án Cảng hàng không Long Thành…

Ngoài việc tự huy động nguồn lực của chính ACV, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có chủ trương huy động nguồn vốn xã hội hóa, bên cạnh các nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay Chính phủ cho các dự án nói trên.

Việc thực thi từng dự án cụ thể sẽ được cân đối để đảm bảo các khoản đầu tư cũng như đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư khác nhau, trong đó có ACV.

Phóng viên: Xin cám ơn ông./.

ACV là Tổng công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, hiện đang quản lý, điều hành và khai thác 22 cảng hàng không dân dụng trên cả nước; trong đó có 7 cảng quốc tế và 15 cảng hàng không nội địa với tổng công suất khai thác đạt gần 70 triệu hành khách/năm.

3 năm trở lại đây, ACV đã phục vụ trên 132,608 triệu lượt hành khách, tăng trung bình 16%/năm, tổng doanh thu đạt 28.114 tỷ đồng, tăng trung bình 15,29%/năm, lợi nhuận sau thuế đạt 6.342 tỷ đồng, tăng trung bình 29,75% năm.

Trong đợt IPO này, ACV sẽ tiến hành đấu giá 77,8 triệu cổ phần với giá khởi điểm 11.800 đồng/cổ phần. Lượng đấu giá tương đương 3,5% vốn điều lệ dự kiến của ACV là 22.431 tỷ đồng.

Ngoài ra, Nhà nước nắm giữ là 1,68 tỉ cổ phần (tương đương 75% vốn điều lệ); cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 448,62 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ);cổ phần còn lại bán cho người lao động và tổ chức công đoàn của ACV.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục