Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa đủ hành lang pháp lý

17:50' - 09/12/2015
BNEWS Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, chưa có hệ thống quy định cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ dưới hình thức Nghị định hoặc Luật để tạo hành lang pháp lý cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

“Bộ Giao thông Vận tải là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Điều này thể hiệu qua kết quả đến hết năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cổ phần hóa được Chính phủ giao”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp phát biểu như vậy tại hội nghị “Tổng kết tình hình sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015; nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020” của Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 9/12, tại Hà Nội.

“Đặc biệt, sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp đều làm ăn hiệu quả hơn thể hiện qua các chỉ số như tổng tài sản tăng, vốn chủ sở hữu tăng, doanh thu tăng và thu nhập người lao động tăng lên…”- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh nhận định, trong thời gian tới để cổ phần hóa xong các doanh nghiệp còn lại sẽ còn rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối kết hợp với các Bộ, ban ngành để đưa ra những cơ chế đặc thù đối với từng trường hợp để tháo gỡ những vướng mắc bởi nếu không có cơ chế đặc thù thì rất khó giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn lại.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, trong g iai đoạn 2011 - 2015, Bộ G iao thông Vận tải đã triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt.

Đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) 124 doanh nghiệp; trong đó có 12 tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền: 1.701 tỷ đồng.

Việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay, Bộ đã hoàn thành việc thoái vốn tại 113 doanh nghiệp; trong đó có 7 Công ty mẹ - Tổng công ty và 106 doanh nghiệp thành viên thuộc các Tổng công ty với tổng số tiền thu về trên 4.399,3 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2014 và 11 tháng đầu năm 2015, tổng số tiền thoái vốn thu về tại 86 doanh nghiệp là 3.849,3 tỷ đồng.

Trong đó, đối với 10 Công ty mẹ - Tổng công ty, sau khi hoàn thành cổ phần hóa, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn nhà nước tại 10 Công ty mẹ - Tổng công ty (Cienco 1, Cienco 4, Cienco 5, Cienco 6, Cienco 8 và Vinamotor, Vận tải thủy, Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, Thăng Long, Xây dựng đường thủy).

Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cienco 1, Cienco 4, 20% vốn điều lệ tại các Tổng công ty: Vận tải thủy và Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, 31% vốn điều lệ tại Cienco 8 thu về trên 753 tỷ đồng, đạt 120% giá trị tính theo mệnh giá.

Dự kiến quý I/2016, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại các Tổng công ty.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015.

Đó là chưa có hệ thống quy định cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ dưới hình thức Nghị định hoặc Luật để tạo hành lang pháp lý trong quá trình thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, nguồn lực tài chính cho tái cơ cấu rất khó khăn, kinh nghiệm tái cơ cấu còn hạn chế.

Việc tái cơ cấu theo ngành và lĩnh vực không phân biệt cấp quản lý chưa được thực hiện đầy đủ, quyết liệt. Nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn đang thuộc sở hữu, quyền quản lý của Bộ, ngành không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, chưa có danh mục, lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập; mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đảng và Công đoàn chưa thay đổi, thích ứng với yêu cầu của tình hình mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục