Tái cơ cấu nông nghiệp: Xây dựng ba trục sản phẩm

16:15' - 25/08/2016
BNEWS Ngày 25/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tái cơ cấu nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Bộ NN và PTNT về tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN

Đánh giá chung cho thấy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Tuy nhiên, kết quả mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt trên thực tế và cần thêm nhiều chính sách cụ thể để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng của ngành chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng quý I/2016 giảm.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp hiện nay, ngành sẽ định hướng điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Trong trồng trọt, chăn nuôi, chuyển hẳn từ cách tiếp cận nặng về đạt mục tiêu số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.

Thủy sản sẽ tập trung cao hơn cho việc nuôi trồng các loại thủy sản là lợi thế và nâng cao hiệu quả khai thác, chú trọng hơn tới nâng cao hiệu quả và tính bền vững thay vì nỗ lực đạt sản lượng ngày càng cao.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng công đoạn mang lại nhiều giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm là công nghiệp bảo quản, chế biến còn nhiều dư địa phát triển. Vì vậy, phải được chú trọng phát triển, nhất là chế biến sâu để đem lại giá trị gia tăng cao hơn, kể cả chế biến phế phụ phẩm.

Để thực hiện được những yêu cầu đó, một trong những giải pháp chính là ngành sẽ điều chỉnh mạnh mẽ cơ cấu đầu tư phối hợp với định hướng phát triển sản xuất mới, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Chú trọng hơn phát triển thủy lợi phục vụ thủy sản, tưới cây trồng cạn áp dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tập trung vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các công trình trọng tâm, cấp bách, các công trình phục vụ tái cơ cấu, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình dở dang, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Trên thực tiễn, tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún đã được ngành khắc phục. Là một trong những Bộ quản lý nguồn vốn lớn nhưng không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về tăng cường quản lý đầu tư công, kiên quyết không để nợ đọng xây dựng cơ bản; rà soát, cắt giảm và sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư.

Để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cần tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bởi đây là khâu quan trọng nhất trong tái cơ cấu. Bên cạnh đó là đa dạng hóa các loại khoa học công nghệ.

Các tập đoàn lớn đã có trung tâm nghiên cứu và họ cần có cơ chế để phát triển, phối hợp với các viện nghiên cứu nhà nước. Việc đa dạng hóa sẽ lôi kéo những công nghệ mới nhất về Việt Nam.

Cùng với đó là phải đẩy mạnh xã hội hóa, xã hội hóa càng nhiều càng tốt. Qua 3 năm cho thấy, những việc đã xã hội hóa đều rất phát triển. Nhà nước chỉ quản lý, xây dựng cơ chế chính sách, giám sát, kiểm tra, xử phạt bằng các rào cản pháp luật.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Phát triển nông nghiệp cho rằng, quan trọng nhất phải đột phá chính sách đất đai để tích tụ ruộng đất vào những người sản xuất kinh doanh giỏi.

Đất đai trong nông nghiệp cần được sử dụng linh hoạt theo tín hiệu của thị trường. Có thể chuyển đất lúa sang các cây trồng giá trị kinh tế cao hay thủy sản để tạo những vùng chuyên canh sản xuất lớn.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ xây dựng hình thành 3 trục theo cấp độ sản phẩm để thực hiện tái cơ cấu. Ở cấp quốc gia, sẽ chọn 10 sản phẩm quốc gia có lợi thế, có giá trị và độ bền vững cao để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, coi đây là ngành hàng quốc gia. Căn cứ vào tình hình sản xuất trong nước, độ mở thị trường sẽ mở rộng thêm sản phẩm.

Trục thứ hai là sản phẩm cấp tỉnh, là những sản phẩm mang tính lợi thế, đặc thù của tỉnh. Sản phẩm cũng phải tính đến thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trục thứ 3 là sản phẩm quy mô cấp địa phương. Tuy sản phẩm địa phương nhưng vẫn phải có công nghệ chế biến. Thị trường là tại chỗ, các tỉnh và có cả thị trường xuất khẩu. Đây là mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” đang được thực hiện rất thành công tại Quảng Ninh.

“Ba trục đó hình thành nên tái cơ cấu đồng bộ và coi thị trường là động lực của sản xuất. Trong sản xuất, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò trụ cột. Đặc biệt đối với sản phẩm quốc gia, những chính sách ưu tiên khuyến khích sẽ tương xứng với tầm vóc để thu hút doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, cần thiết kế khung chính sách để đáp ứng yêu cầu của 3 trục trên ở mọi cấp độ. Các đơn vị rà soát để kiến nghị, điều chỉnh sao cho thúc đẩy doanh nghiệp trở thành hạt nhân. Trong khung chính sách cũng phải có chế tài quản lý, có sự giám sát chặt chẽ trong các khâu để sản xuất phải nghiêm, đặc biệt là tránh gian lận thương mại.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, tái cơ cấu nông nghiệp là lĩnh vực khó, không thể vội vàng, cần có thời gian để từng bước làm vững chắc, tránh nóng vội. Đây là thách thức lớn khi mở rộng thị trường, nếu không khéo sẽ thua trên sân nhà.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tái cơ cấu gắn với phát triển và phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và khu vực. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, xác định được các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, sản lượng lớn, giá trị cao, phù hợp với từng vùng, địa phương; yêu cầu phát triển sản phẩm cả cấp quốc gia, tỉnh, địa phương để có thể khai thác triệt để thế mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. tăng diện tích/lao động.

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp, doanh nghiệp - nông dân, nông dân – HTX, địa phương… nhằm hình thành các vùng chuyên canh để tạo ra vùng sản xuất lớn có giá trị cao. các địa phương chủ động khắc phục tính phong trào, khủng hoảng thừa cung thiếu cầu…

Chuyển đổi mô hình từ chiều rộng sang chiều sâu, chủ yếu là về khoa học công nghệ, kinh tế trí thức, chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh. Tăng cường tiềm lực của các chủ thể tham gia tái cơ cấu nông nghiệp. Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là trách nhiệm của nhà nước, xã hội, người dân, đặc biệt là nông dân.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 3 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” (2013-2015), cơ cấu các ngành sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với thị trường; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh; liên kết theo chuỗi được phát triển.

Điều đó đã có tác động tích cực tới kết quả phát triển sản xuất ngành, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng trưởng của ngành với tốc độ khá cao, tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm.

Lĩnh vực trồng trọt tăng khá, trung bình tăng 2,6%/năm. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2015 ước đạt 83 triệu đồng (tăng khoảng 10,2 triệu đồng so với năm 2012). Năng suất của hầu hết các loại cây trồng chủ lực tăng mạnh, chất lượng một số loại nông sản được cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè…

Chăn nuôi được coi là lĩnh vực sẽ đối mặt với nhiều thách thức nhất trước yêu cầu hội nhập. Nhưng lĩnh vực này đã có sự chuyển biến khá rõ nét về chất lượng đàn giống vật nuôi, có nhiều thay đổi đầu tư trong phát triển chăn nuôi, chất lượng sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát tốt hơn.

Nhiều doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực đầu tư từ 1.000 -12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, lan tỏa đến đội ngũ sản xuất nhỏ lẻ, trang trại cũng như đánh thức các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã cơ bản kiểm soát được khó khăn về dịch bệnh, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá da trơn, nhuyễn thể.. . Bước đầu xây dựng chuỗi giá trị trong hoạt động khai thác như đối với cá ngừ.

Các chương trình đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ sắt, cải hóa nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ đang được triển khai mạnh. Sản xuất thủy sản tiếp tục duy trì được tăng trưởng trung bình đạt 5,9%/năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục