Tài sản và câu chuyện đánh thuế

10:54' - 13/12/2016
BNEWS Việc ngành tài chính đang lên kế hoạch đánh thuế nhà ở thứ hai trở lên đã mang lại nhiều ý kiến từ các chuyên gia và chính các nhân những người sở hữu tài sản.
Bộ Tài Chính đang lên kế hoạch đánh thuế nhà ở thứ hai trở lên. Ảnh: cafef

Mới đây, ngành tài chính có “động thái” về khả năng sẽ đánh thuế nhà ở đối với tài sản là ngôi nhà thứ 2, thứ 3 trở lên. Trước vấn đề này, theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chỉ đánh thuế riêng đối với bất động sản là chưa hợp lý mà nên tính tới yếu tố kiểm soát, giảm thiểu hành vi trốn thuế bằng sắc thuế tài sản.

Để sắc thuế trên thực sự đi vào cuộc sống, nhiều chuyên gia cho rằng mấu chốt cần giải quyết là minh bạch trong kê khai tài sản công, tư của cá nhân, công chức, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Theo thông tin từ website bách khoa toàn thư, thuế tài sản là tên gọi chung của các sắc thuế đánh vào quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản. Thuế được thu hàng năm một lần và cơ sở tính thuế chính là giá trị tài sản.

Về nguyên tắc, mọi cá nhân (hộ gia đình) có sở hữu hay sử dụng tài sản đều phải đóng thuế tài sản. Tuy nhiên, trường hợp tài sản có giá trị nhỏ đến mức mà số thuế thu được trở nên không có ý nghĩa khi xem xét thêm chi phí của việc thu thuế, chính quyền sẽ quyết định mức thuế phải nộp là 0%. Việc đánh thuế tài sản sẽ tránh được sự méo mó trong thuế thu nhập, đó là việc chuyển hóa thu nhập thành tài sản.
Cũng theo thông tin từ website bách khoa toàn thư, thuế tài sản thường chỉ đánh trong những trường hợp khi hình thành hoặc chấm dứt quyền sở hữu tài sản: thuế đăng ký tài sản; thuế chuyển quyền sở hữu tài sản. Với thuế được đánh trong quá trình sử dụng tài sản: trường hợp đánh vào những tài sản có giá trị như: máy bay, du thuyền, biệt thự, ô tô hạng sang…

Do tài sản là những thứ khó di chuyển giữa các địa phương nên thuế tài sản thường được xác định là một nguồn thu của ngân sách địa phương.
Chia sẻ quan điểm riêng về vấn đề này, chuyên gia trong lĩnh vực thuế ông Vũ Tiến Dũng nêu ý kiến, nếu gọi là đánh thuế tài sản đối với nhà thứ 2, thứ 3, Bộ Tài chính dựa vào căn cứ nào để quyết định thu thuế? Giả sử, mục đích đưa ra là tránh đầu cơ thì việc đánh thuế nên quản lý từ đầu nguồn tức là người bán; người có nhà sở hữu chứ không phải người đi mua.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần tính tới yếu tố xã hội, xem chủ trương này có nhận được sự đồng tình không. Chuyên gia này cũng cho rằng, để làm được việc này, trước hết phải quản lý được nguồn thu, dữ liệu bất động sản. Vấn đề này không quá khó khăn vì hầu hết người sở hữu nhà hiện nay đều có sổ đỏ.
Trước chủ trương này, ông Nghiêm Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý Thuế Cường Linh cho hay, chính sách thu thuế đối với tài sản là bất động sản là hợp lý. Bởi cách làm này đảm bảo tăng thu cho ngân sách nhà nước và kỳ vọng bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên, khi xây dựng, ban hành chính sách cần có sự nghiên cứu kỹ càng hạn chế thấp nhất tình trạng lách luật.

“Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều Luật được xây dựng nhưng chưa nghiên cứu kỹ nên xảy ra tình trạng liên tục sửa và chính sách thuế cũng không phải là một ngoại lệ”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế tài sản đốivới nhà ở thứ 2 trở lên cần nghiên cứu kỹ và đảm bảo tính công bằng. Ảnh: Quách Lắm-TTXVN

Do vậy, theo ông Cường, chủ trương đánh thuế đối với tài sản là nhà thứ 2, thứ 3 trở lên cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo công bằng và phải có khung miễn thường. Phương pháp tính thuế nên dựa trên giá trị và diện tích chứ không chỉ căn cứ vào số lượng nhà để đánh thuế. Bởi có trường hợp một nhà nhưng lại là biệt thự với trị giá lên hàng chục tỷ đồng; trong khi đó có những người có tới 5-6 nhà nhưng trị giá mới chỉ ở mức vài tỷ đồng.

Ông Cường cho rằng, nếu nói thuế tài sản thì không nên chỉ tính riêng bất động sản mà cần xây dựng Luật thuế tài sản. Bởi trên thực tế có những tài sản có trị giá lớn hơn gấp nhiều lần bất động sản ví dụ như du thuyền. Để đảm bảo tính công bằng, phương pháp tính thuế Tài sản sử dụng biểu thuế lũy tiến từng phần giống như là đang tính cho sắc thuế Thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công. Cách làm này đảm bảo giá trị tài sản càng lớn thì càng phải chịu thuế suất cao.

Không chỉ có các chuyên gia trong lĩnh vực thuế mà ý kiến của một vài người dân khi hỏi về vấn đề này đều theo hướng ủng hộ chủ trương trên. Ông Bủng, người dân tại khu Định Công, Quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, việc đánh thuế đối với bất động sản là hoàn toàn hợp lý nhưng nên tính thuế trực tiếp từ người sở hữu chứ không phải áp dụng đối với người mua bất động sản.
Chị Vy Thị Biên, ở Lạng Sơn chia sẻ, nếu nói tới tài sản phải kể đến cả tiền gửi trong ngân hàng. Tài sản này cũng có khả năng sinh lời hàng tháng, hàng quý và hàng năm.
Thời gian qua, xu hướng sở hữu bất động sản và biệt thự liền kề đang gia tăng. Điều đó được thể hiện rõ nét qua hoạt động chuyển nhượng bất động sản đối với loại hình nhà ở này.

Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu và tư vấn Savills, tổng nguồn cung phân khúc biệt thự, nhà liền kề trong Quý III đạt 33.500 căn. Ba dự án mới và nguồn cung bổ sung từ một dự án hiện tại cung cấp tổng cộng 209 căn.

Trong đó, quận Hà Đông tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 26% thị phần. Trong quý ghi nhận 241 giao dịch, 64% giao dịch là nhà liền kề. Dẫn đầu thị trường quý này, quận Hoàng Mai với 23% và Hà Đông với 20% trên tổng số khối lượng giao dịch.
Cũng theo báo cáo của Công ty này, tại Tp. Hồ Chí Minh, biệt thự và nhà liền kề có lượng giao dịch đạt mức kỷ lục. Sáu dự án biệt thự liền kề và giai đoạn mới của 5 dự án hiện hữu cung cấp thêm cho thị trường sơ cấp khoảng 1.100 căn.

Lượng giao dịch tăng 49% theo quý và 193% theo năm nhờ tình hình hoạt động tốt của những dự án mới. Những dự án có chủ đầu tư uy tín; giá bán sản phẩm hợp lý và đa dang tiện ích vẫn là những yếu tố thu hút người mua.
Hiện ngoài bất động sản, Việt Nam có nhiều đại gia sở hữu tài sản với giá trị rất lớn lên tới hàng triệu USD như: máy bay, du thuyền...; những chiếc xe ô tô sang hàng chục tỷ đồng.
Bên cạnh tài sản trên, một số tài sản tưởng là nhỏ nhưng giá trị tính ra cũng có thể tính tới sánh ngang với cả căn hộ. Ví dụ, quan sát những chiếc ô tô hạng sang di chuyển trên đường, bất kỳ ai cũng đều nhận ra rằng, hầu hết những chiếc xe này đều có biển số đẹp với những dãy số tiến hay có đuôi “lộc phát”.

Giá để sở hữu được chiếc biển độc này giá của nó cũng không hề nhỏ. Ngoài biển số xe sim điện thoại (sim số đẹp) cũng có thể coi là một tài sản có giá trị tương đối lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục