Tại sao ngành sữa châu Âu lại rơi vào khủng hoảng?

18:33' - 06/08/2016
BNEWS Người chăn nuôi châu Âu hiện đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng cơ cấu do sản xuất dư thừa và giá bán sữa đạt mức thấp nhất trong lịch sử.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa quyết định cung cấp 500 triệu euro để hỗ trợ nông dân ngành sữa, đồng thời giải quyết cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến ngành sữa toàn châu lục từ 2 năm nay.

Tại cuộc họp Bộ trưởng Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/7 vừa qua, EC quyết định cung cấp một gói hỗ trợ mới trị giá 500 triệu euro để chấm dứt tình trạng "van sữa mở tự do". Liệu đây có thể được coi là một sự giúp đỡ đặc biệt không nhằm hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi để họ giảm sản lượng?

Hành động này là thay đổi đầu tiên trong chính sách khá tự do mà EU áp dụng từ nhiều năm qua đối với ngành sữa, khu vực bị rơi vào vòng xoáy kể từ khi châu Âu bắt đầu dừng hạn ngạch sản xuất sữa từ ngày 1/4/2015.

Người chăn nuôi châu Âu hiện đang phải chịu đựng cuộc khủng hoảng cơ cấu do sản xuất dư thừa và giá bán sữa đạt mức thấp nhất trong lịch sử. Ảnh minh họa: dairyreporter.com

Trên thực tế, ngành sản xuất sữa của châu Âu không hề ổn định. Đặc biệt, những khó khăn mà khu vực này phải đối mặt trong 2 năm qua chưa từng xuất hiện. Người chăn nuôi châu Âu phải chịu đựng cuộc khủng hoảng cơ cấu do sản xuất dư thừa và giá bán đạt mức thấp nhất trong lịch sử.

Thêm vào đó là một cuộc khủng hoảng kép: các nước châu Á – thị trường quan trọng của châu Âu – giảm mức tiêu thụ ngoài dự kiến của châu Âu và lệnh cấm vận của Nga đối với nông sản thực phẩm châu Âu từ tháng 8/2014 đã gây ra những tác động tiêu cực đối với ngành sữa.

Nếu năm 2014, một lít sữa được nhà sản xuất bán với giá 38 xu euro thì hiện nay giảm xuống còn 24 xu, một mức giá quá thấp để bù đắp chi phí sản xuất. Và vòng xoáy sụt giá được bắt đầu từ tháng 3/2015, thời điểm mà EC bãi bỏ hoàn toàn hạn ngạch sản xuất sữa. Từ đó, thị trường sữa rơi vào tình trạng cạnh tranh tự do.

EC tập trung vào việc giảm sản xuất tự nhiên và tăng giá. Thế nhưng, thực tế lại trái ngược: trong vụ sản xuất 2015-2016, giai đoạn đầu tiên không có sự điều tiết, sản lượng lại tăng đến 4,3% trong toàn EU, thậm chí tới 18,5% như ở Ireland.

Một loạt các biện pháp đã được áp dụng với gói hỗ trợ đầu tiên trị giá 500 triệu euro được EC công bố từ hồi tháng Chín năm ngoái và được bổ sung bằng các biện pháp được đưa ra hồi tháng Ba vừa qua.

Tuy nhiên, các biện pháp này không đạt hiệu quả mong đợi, không giảm được sản lượng cũng như cải thiện giá. Điều này đã đẩy nhà sản xuất và các quốc gia thành viên thúc ép Brussels phải tiếp tục có những giải pháp khẩn thiết.

Theo ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp, Phil Hogan, gói hỗ trợ lần này EC đưa ra nhằm mục đích tăng giá trả cho nông dân để họ có thể tiếp tục sống với công việc của mình. Ngân sách năm 2017 dự kiến sẽ được điều chỉnh để tính đến các biện pháp mới. 

Việc các Bộ trưởng Nông nghiệp EU thông qua gói hỗ trợ nhà sản xuất sữa không phải là hành động bất thường nhưng là gói hỗ trợ đầu tiên kể từ khi bãi bỏ hạn ngạch và quyết định áp dụng việc điều tiết sản xuất sữa.

Gói hỗ trợ mới trị giá 500 triệu euro của EC liệu có thể để chấm dứt tình trạng "van sữa mở tự do". Ảnh minh họa: bbc.co.uk

Gói hỗ trợ trị giá 500 triệu euro này được chia thành 2 phần: một phần gồm 350 triệu euro được dành để hỗ trợ trực tiếp ngành chăn nuôi và chia cho các quốc gia. Bỉ được nhận 11 triệu euro và sẽ chia cho các vùng.

Thêm vào đó, các quốc gia cũng áp dụng biện pháp "tự nạp tiền", có nghĩa là mỗi nước thành viên có thể chi một khoản tiền tương tự để hỗ trợ ngành sữa và không bị coi là vi phạm quy định về trợ giá của EU.

Phần thứ 2 trị giá 150 triệu euro dành để thúc đẩy việc tự nguyện giảm sản lượng. Gói hỗ trợ này sẽ bù đắp trực tiếp cho các nhà sản xuất đơn lẻ và không thông qua hợp tác xã hay tổ chức liên nghề nghiệp đối với số lượng sữa mà họ không sản xuất. Theo ông Phil Hogan, nguyên tắc này được áp dụng theo cách thức "ai đến trước được hưởng trước".

Việc tiếp nhận hồ sơ sẽ được bắt đầu từ tháng Chín tới và cơ chế sẽ chính thức được khởi động vào ngày 1/10 tới theo cách thức nếu nhà sản xuất sản xuất ít hơn so với cùng kỳ năm trước, họ sẽ được nhận từ EU 14 xu euro/lít sữa không được sản xuất.

Con số thống kê mới đây do Eurostat đưa ra cho biết EU đã giảm 148 triệu lít sữa trong năm 2014. Các biện pháp vẫn có hiệu quả cho đến khi ngân sách của EU cạn kiệt.Thông qua biện pháp này, EC hy vọng sẽ giảm khoảng 1 triệu lít sữa trong năm 2016. Năm 2015, châu Âu sản xuất 191 tỉ lít sữa, gần bằng ¼ lượng sữa được sản xuất trên thế giới.

>>> Đón đọc: Phản ứng của các quốc gia thành viên châu Âu trước cuộc khủng hoảng sữa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục