Tạm hoãn phiên tòa vụ án dân sự giữa taxi Vinasun với Grab

21:05' - 07/02/2018
BNEWS Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên toà vụ án dân sự giữa taxi Vinasun với Grab trong vòng 1 tháng.

Ngày 7/2, tiếp tục phiên xét xử vụ án dân sự giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (gọi tắt là Vinasun Corp, đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (gọi tắt là Grab), sau khi nghe các bên trình bày quan điểm, Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên toà trong vòng 1 tháng, đồng thời yêu cầu phía Grab cung cấp các giấy tờ liên quan như hợp đồng điện tử, hợp đồng với các hợp tác xã vận tải… để làm rõ nội dung vụ kiện.
Tại phiên toà, các luật sư đại diện cho Vinasun tập trung làm rõ định danh Grab với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi chứ không chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải (đặt xe gọi xe). Grab đã vi phạm trong vấn đề thực hiện khuyến mãi, nghĩa vụ đóng thuế…
Luật sư Nguyễn Hải Vân, bảo vệ quyền lợi cho Vinasun (nguyên đơn) cho rằng, ngay tên gọi đã định danh điều này đối với Grab (Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam); bản thân Grab thực hiện các thao tác như taxi truyền thống để kết nối khách hàng có nhu cầu đi lại.

Nếu đã định danh rõ Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì phải hoạt động đúng luật như taxi truyền thống đang hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Grab đã vi phạm nghiêm trọng Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là đề án thí điểm 24).

Từ đó Luật sư Nguyễn Hải Vân đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung khởi kiện của Vinasun, đồng thời kiến nghị Hội đồng xét xử kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bỏ thí điểm đề án 24 vì bản thân Grab đã vi phạm nghiêm trọng đề án 24.
Trong phần trình bày bổ sung phía nguyên đơn, ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun Corp cho rằng, hoạt động của Grab đang tạo ra nhiều hệ luỵ xấu, làm gia tăng phương tiện lưu thông trên đường, phá vỡ quy hoạch giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng lo ngại là chỉ với phần mềm kết nối nhưng Grab lại hưởng gần 30% giá trị cuộc đi mà tài xế tạo ra. Cùng với đó, mặc dù hoạt động, kinh doanh như taxi nhưng do cơ quan Nhà nước không quản lý được nên không đảm bảo an toàn cho hành khách.
Trong khi đó, Luật sư Lưu Tiến Dũng, bảo vệ quyền lợi cho Grab nêu quan điểm, toàn bộ hoạt động của Grab tại Việt Nam đề tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó có đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải. Thực tế, hoạt động của Grab đã tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hành khách.

Cùng với đó, trong suốt thời gian hoạt động, Grab chưa hề bị cơ quan chức năng Việt Nam ra văn bản xử phạt, mà chỉ xử phạt một số tài xế sử dụng dịch vụ của Grab mà thôi. Đối đáp quan điểm về vấn đề nghĩa vụ đóng thuế, luật sư Lưu Tiến Dũng cho rằng, đây là vấn đề không liên quan đến nội dung khởi kiện nên không có ý kiến tranh luận lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục