Tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với kinh tế Nigeria

08:02' - 10/06/2017
BNEWS Sau khi giành độc lập vào năm 1960, Nigeria đã chuyển mình từ một quốc gia nghèo đói trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất khu vực châu Phi.
Đến năm 2003, doanh thu từ dầu mỏ đóng góp đến gần 80% tổng doanh thu của Nigeria. Ảnh: Reuters

Theo các nhà kinh tế học, bản chất nền kinh tế quốc gia Tây Phi này thể hiện một cách trung thực những đặc điểm của một nền kinh tế kết hợp giữa yếu tố truyền thống của nông nghiệp với yếu tố hiện đại của ngành dầu mỏ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ Nigeria đã định hướng sản xuất tập trung vào lĩnh vực dầu mỏ để phát triển nền kinh tế, qua đó tận dụng lợi thế của một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất khu vực.

Nhờ đó, nền kinh tế nước này đã bắt đầu phát triển. Song, giữa bối cảnh giá “vàng đen” tuột dốc mạnh trong thời gian qua, Abuja đã chuyển hướng khuyến khích người dân trở về với hình thức sản xuất ruộng đất tập trung để nâng cao “sức khỏe” nền kinh tế.

Lựa chọn ưu tiên

Thời gian đầu sau khi giành độc lập vào năm 1960, kinh tế Nigeria chủ yếu phụ thuộc vào ngành nông nghiệp. Ngành này đã đóng góp đến 1/2 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và là nguồn thu xuất khẩu cũng như nguồn thu chính phủ chủ chốt.

Vào thời điểm đó, các cơ quan chính phủ phụ trách vấn đề nông nghiệp đóng vai trò số một đối với nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, theo thời gian, cán cân đã đảo chiều và nền kinh tế quốc gia Tây Phi này đã chứng kiến một sự thay đổi lớn khi chính phủ chọn cách tập trung vào khai thác “vàng đen” bên cạnh sản xuất nông nghiệp như trước đây.

Kết quả là đến năm 2003, doanh thu từ dầu mỏ đóng góp đến gần 80% tổng doanh thu của đất nước và 100% doanh thu từ hoạt động xuất khẩu. Điều này cho thấy xu hướng coi nhẹ tầm quan trọng ngành nông nghiệp của Nigeria, coi đây chỉ là một công cụ để đảm bảo sự tồn tại cho con người.

Kết quả là, sự quá dựa dẫm vào dầu mỏ đã khiến nền kinh tế Nigeria chịu tổn thương lớn khi giá “vàng đen” liên tục lao dốc trong thời gian qua.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Nigeria, GDP của nước này trong năm 2016 đã giảm tới 1,5% so với năm trước đó, qua đó ghi dấu lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, nền kinh tế này trải qua một năm suy thoái toàn diện.

Việc giá dầu và sản lượng dầu thô giảm đã khiến nguồn thu chính phủ sụt tới 50%, đồng thời làm giảm nguồn dự trữ ngoại tệ dùng để nhập khẩu những nguyên liệu đầu vào. Cùng với đó, đồng nội tệ naira mất giá cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao.

Quay về với truyền thống

Tình trạng này đã buộc Chính phủ Nigeria tìm phương pháp xúc tiến phát triển bền vững qua việc đa dạng hóa nền kinh tế đất nước. Do vậy nông nghiệp - ngành bị bỏ rơi trong thời kỳ bùng nổ “vàng đen”- đang được coi là hướng đi sáng giá nhất.

Có thể nói, tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế châu Phi nói chung, và nền kinh tế Nigeria nói riêng là không thể phủ nhận, đặc biệt là giữa bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện giờ của Nigeria.

Ngành nông nghiệp đóng vai trò vô cùng lớn đối với kinh tế Nigeria. Ảnh: Reuters
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), cũng trong năm 2003, có đến hơn 70% người Nigeria sống ở dưới mức nghèo, với thu nhập thấp hơn 1 USD/ngày. Điều này cho thấy sự xuống dốc của tình hình tài chính Nigeria kể từ khi độc lập đến nay. Và lời giải cho bài toán này không nằm ở các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt.

Nigeria được ưu đãi với rất nhiều tiềm năng nông nghiệp, từ các loại cây trồng đến động vật và thực vật cùng các yếu tố hỗ trợ nông nghiệp tự nhiên như rừng, nước, cát và yếu tố con người. Tuy nhiên, những lợi thế này đều chưa được tận dụng triệt để.

Với 84 triệu héc ta đất trồng trọt trải dài từ những khu rừng ở phía Nam cho đến sa mạc Sahara ở phía Bắc, Nigeria có thể sản xuất một lượng nông sản đủ cho nhu cầu nội địa và thậm chí là xuất khẩu. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để tạo điều kiện nhằm khuyến khích người dân quay trở lại với nghề nông.

Trong thời gian qua, các nước trên thế giới đã áp dụng những mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý là mô hình liên kết thành công mang lại lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong đó, những cánh đồng mẫu lớn là hình thức sản xuất tập trung, phát huy mối liên kết giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và chính phủ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đầu ra và tăng nguồn thu.

Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ Nigeria cần có những chính sách kinh tế thực tiễn để tạo môi trường thích hợp cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo sự thuận lợi, mở cửa sản xuất, kinh doanh nội địa, xóa bỏ nhiều khoản thuế cho các doanh nghiệp…

Ngoài ra, chính phủ cần khuyến khích các chính quyền địa phương tự chủ hoạch định chính sách kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng và ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, quan liêu… Bên cạnh đó, nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khởi nghiệp vừa và nhỏ, đội ngũ doanh nhân cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng là rất cần thiết.

Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari cho biết chính phủ nước này đặt mục tiêu tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm trong năm 2017.

Trong thông điệp đầu năm, Tổng thống Buhari nhấn mạnh Nigeria sẽ bắt đầu thực hiện cuộc "Cách mạng Xanh" từ năm 2017 để tăng năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp, duy trì an ninh lương thực, cải thiện đời sống của người nông dân và tiến tới tự cung tự cấp lương thực.

Theo ông Buhari, việc phục hồi nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng GDP là những ưu tiên hàng đầu của Nigeria trong năm 2017. Tổng thống nêu rõ một trong những ưu tiên của Chính phủ Nigeria trong năm nay là giải quyết tỷ lệ thất nghiệp hiện lên tới 20% tổng lực lượng lao động của quốc gia này.

Nigeria sẽ nỗ lực tạo thêm việc làm cho đội ngũ lao động trẻ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là chương trình "xóa đói giảm nghèo" cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và những nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công khủng bố của nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram ở khu vực Đông Bắc quốc gia Tây Phi này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục