Tăng biên độ tỷ giá chỉ là giải pháp tạm thời

09:58' - 13/08/2015
BNEWS Bình luận về việc NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây chỉ là phản ứng tức thời, mang tính đối phó với sự phá giá của đồng CNY.

Bình luận về việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY), Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nói: "Đây là quyết định “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử cận đại của nền tài chính thế giới, khi Trung Quốc “phá giá” đồng CNY trong 2 ngày liên tiếp. Dù, Trung Quốc tuyên bố chính thức là việc điều chỉnh giảm tỷ giá của đồng CNY là vì yếu tố thị trường và để khuyến khích xuất khẩu. Song theo tôi mục đích của Trung Quốc là sẽ nhằm thả nổi đồng CNY trong tương lai”. 
Theo ông Hiếu, việc đồng CNY mất giá sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới Việt Nam bởi vì, nước ta đang nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc. Nếu cả năm 2014, Việt Nam nhập siêu 20 tỷ USD từ Trung Quốc, con số này sẽ còn cao hơn rất, rất nhiều trong năm 2015, đặc biệt là khi đồng CNY mất giá như hiện nay.

"Hệ quả đầu tiên có thể thấy ngay là hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập Việt Nam. Như vậy sẽ ảnh hưởng ngay tới mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu mà Chính phủ đề ra”, ông Hiếu nhấn mạnh. 

Xét về mối tương quan giữa đồng Việt Nam với đồng USD và CNY, ông Hiếu phân tích đồng Việt Nam đang được neo tỷ giá bằng đồng USD nên sẽ tăng giá hơn so với đồng CNY. Việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá lên +/-2% của NHNN sẽ khiến đồng Việt Nam mất giá 1% so với đồng USD. Trong khi đó, đồng CNY mất giá 3,5% so với đồng USD. Từ đó suy ra, độ chênh giữa đồng Việt Nam và đồng CNY là 2,5%. 
Mặc dù việc điều chỉnh biên độ tỷ giá của NHNN là phù hợp và kịp thời với diễn biến thị trường tài chính trong nước và thế giới nhưng theo ông Hiếu, đây chỉ là phản ứng tức thời mang tính đối phó với sự phá giá của đồng CNY. Giải pháp này chưa đủ liều lượng và đáng lý cần phải được triển khai trước đó một thời gian. 
Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, giải pháp tỷ giá chỉ đóng góp một phần chứ không quyết định toàn bộ trong mối quan hệ thương mại của Việt Nam với Trung Quốc. Cũng có thời gian, đồng CNY tăng giá nhiều và đồng Việt Nam thì mất giá nhưng cũng không giúp Việt Nam tăng được thặng dư thương mại với Trung Quốc. Vì thế, ứng biến với tình hình "hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập Việt Nam trong nay mai" có thể phải dựa vào các chính sách thương mại "khôn ngoan" như sử dụng hàng rào phi thuế quan, các quy chuẩn kỹ thuật, không nên trông chờ vào tỷ giá hối đoái.

Theo ông Hiếu, hiện nay, hàng loạt quốc gia châu Á cũng đều phá giá đồng tiền của mình và cũng nhắm tới mục tiêu khuyến khích xuất khẩu như Trung Quốc. Với việc đồng Việt Nam “kiên định” neo tỷ giá theo USD và độ chênh tỷ giá giữa đồng Việt Nam với CNY lên đến 2,5% như đề cập ở trên sẽ là điều hết sức bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam và cũng không giúp được nhiều để tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt hay hàng xuất khẩu của Việt Nam ra trường quốc tế. 


Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang mất giá. Ảnh: Internet
Đồng tình với quan điểm này, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá thêm +/-1% đương nhiên chưa đủ để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì nếu muốn tăng lương cho người lao động, đồng ngoại tệ thu về mà đạt tỷ giá cao hơn thì khả năng tăng lương cho người lao động cao hơn. Nếu tiếp tục giữ đồng tiền mạnh sẽ khiến mức chuyển đổi từ ngoại tệ thấp hơn. Do đó khó có thể tăng lương cao hơn cho người lao động.
Ngay khi đồng đô la Mỹ (USD) trên thế giới tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ và hiện giữ ở mức 97,29 điểm, thì nhiều ngân hàng thương mại chủ chốt trong nước như Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)… cùng đồng loạt tăng tỷ giá. 
Tại thời điểm 17h ngày 12/8, Vietcombank, VietinBank và BIDV đều niêm yết giá bán ra là 22.060 đồng/USD, tăng 220 đồng so với mức 21.840 đồng/USD, vốn liên tục kéo dài suốt 10 ngày đầu tháng 8 vừa qua. Một số ngân hàng nhỏ hơn như Eximbank, LienVietPostBank, TPBank... niêm yết giá bán cao hơn một chút, dao động từ mức 22.070 đồng đến 22.080 đồng/USD. 
Trên thị trường tự do, giao dịch USD tại các điểm thu đổi được nâng giá lên 30 đồng và hiện giữ ở mức 21.980 đồng/USD./. 
Thạch Huê

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục