Tăng cường kết nối hợp tác xã với doanh nghiệp

20:33' - 28/06/2017
BNEWS Các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ cần tăng cường kết nối hợp tác xã với các doanh nghiệp và phát triển các doanh nghiệp trong hợp tác xã.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị Sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 28/6 tại Cần Thơ.
Theo Phó Thủ tướng, nếu phát triển theo hướng này sẽ tiếp cận được vốn và tiến bộ khoa học – kỹ thuật nhanh nhất.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ thích hợp với mô hình này và có khả năng phát triển theo chuỗi với các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản. Đây là hướng mà các tỉnh cần nghiên cứu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn, trong thời gian tới, phong trào phát triển kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nói riêng sẽ có nhiều khởi sắc, đóng góp nhiều cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị các tỉnh, thành phố cho ý kiến về tỷ lệ góp vốn của thành viên hợp tác xã.

Theo Luật Hợp tác xã 2012, tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên là 20%, nên tăng lên hay giảm đi thế nào cho phù hợp. Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, tỷ lệ cung ứng dịch vụ của hợp tác xã cho thành viên bên ngoài nếu có điều chỉnh cũng không được quá 50%.
“Nếu khống chế 30% như hiện nay là quá ít nhưng quá 50% thì còn gì là hợp tác xã nữa”, Phó Thủ tướng nói.
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành và có hiệu lực, việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong vùng đã có sự chuyển biến.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem sản phẩm của các Hợp tác xã nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Gần một nửa hợp tác xã nông nghiệp ở hai vùng này là hợp tác xã trồng trọt (hơn 46%), còn lại hợp tác xã thủy sản và các hợp tác xã hoạt động tổng hợp. Về quy mô, các hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ có khoảng 130.000 thành viên.
Tuy số lượng ít nhưng vốn của các hợp tác xã này cao hơn nhiều so với cả nước. Trung bình mỗi hợp tác xã có vốn khoảng 2,8 tỷ đồng, trong khi bình quân cả nước chỉ 1,1 tỷ đồng; trong đó, các hợp tác xã của Đồng Nai có vốn nhiều nhất, khoảng 16 tỷ đồng/hợp tác xã.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sau 4 năm thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, ở Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều hợp tác xã có quy mô lớn với phương thức hoạt động đa đạng.

Việc tổ chức liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tiêu thụ nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước, nhiều hợp tác xã thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.
Đến nay, đã có nhiều hợp tác xã đạt doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng, cá biệt có hợp tác xã có doanh thu trên 100 tỷ đồng như Hợp tác xã Evergrowth (Sóc Trăng), Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (Thành phố Hồ Chí Minh).

Thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã ở hai khu vực này là 2,8 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức bình quân gần 2 triệu đồng của cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ bao gồm 19 tỉnh, thành phố, chiếm 19,38% diện tích và 36,76% dân số cả nước.

Đây là khu vực có nhiều lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, hạ tầng và trình độ sản xuất của người dân để sản xuất các loại nông sản xuất khẩu như: lúa gạo, trái cây và thủy sản. Hàng năm giá trị xuất khẩu nông sản của khu vực này khoảng gần 30% so với cả nước./.

Xem thêm:

>>>Bộ NN & PTNT khảo sát vùng nuôi bò sữa tại Sóc Trăng

>>>Hòa Bình phát triển hợp tác xã gắn với xây dựng nông thôn mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục