Tăng hỗ trợ vốn ưu đãi cho người khuyết tật

11:33' - 12/04/2018
BNEWS Các học viên, người lao động của hợp tác xã cơ bản đã có kỹ năng việc làm, song điểm thiếu bền vững vẫn là giải pháp về tín dụng.
Tăng hỗ trợ vốn ưu đãi cho người khuyết tật. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức “Hội thảo chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của người khuyết tật”. Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, mặc dù đã có sự quan tâm rất lớn của cộng đồng với người khuyết tật, song các cơ chế hỗ trợ về vốn, tạo việc làm cho những con người kém may mắn này vẫn chưa được như mong muốn.

Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ trái tim hồng Sóc Sơn (Hà Nội), từ những khó khăn bước đầu, đến nay đã tạo việc làm cho hàng chục lao động khuyết tật, với mức lương từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng. Chị Đinh Thị Quỳnh Nga, người khuyết tật và cũng là Giám đốc hợp tác xã cho biết, mặc dù đến nay, các học viên, người lao động của hợp tác xã cơ bản đã có kỹ năng việc làm, song điểm thiếu bền vững vẫn là giải pháp về tín dụng.

“Người khuyết tật muốn trở thành thành viên của hợp tác xã phải đóng góp vốn điều lệ, trong khi đó họ đều rất khó khăn về tài chính, sống phụ thuộc vào gia đình. Do vậy, việc phát triển các xã viên là rất khó khăn. Cùng với đó là khâu đào tạo nghề để nâng cao trình độ chuyên môn cho các xã viên”, chị Nga nói.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên. Phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn (chiếm 87,27%); có khoảng 65% người khuyết tật trong độ tuổi lao động và khoảng 40% người khuyết tật còn khả năng lao động. Trong số này, chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Như vậy, tại Việt Nam còn hàng triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ dạy nghề và vay vốn tạo việc làm. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho người khuyết tật còn rất hạn chế.

Theo ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật chủ yếu thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn từ nhà tài trợ Nippon. Hiện, chưa có nguồn vốn dành riêng cho vay đối với người khuyết tật để phát triển kinh tế.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho hay, từ 2014-2018, ngân sách nhà nước không bổ sung nguồn vốn để cho Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay giải quyết việc làm mà chỉ thực hiện cho vay bằng vốn quay vòng. Do vậy, người lao động khuyết tật cũng không có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, nhất là người mù gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện quy trình, thủ tục vay vốn. Mặt khác, hiện cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này, dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp.

Sản phẩm thủ công của người khuyết tật được trưng bày tại hội chợ. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho thấy, tính riêng năm 2017, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay mới 4 dự án cơ sở kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật và 2.363 dự án của người khuyết tật. Điều đó, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.540 lao động là người khuyết tật. Hiện tổng số khách hàng vay là người khuyết tật khoảng trên 11.000 người.

Quỹ quốc gia về việc làm cũng đã phân bổ cho Hội người mù Việt Nam quản lý trên 50 tỷ đồng. Năm 2017 cũng đã cho vay mới 1.246 dự án, giúp người khuyết tật vươn lên. Những kết quả trên còn là rất nhỏ bé so với con số hàng triệu người lao động vẫn chưa được hỗ trợ vốn để tạo công việc, ổn định cuộc sống.

Để người khuyết tật, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng người lao động là người khuyết tật phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ trái tim hồng Sóc Sơn – Đinh Thị Quỳnh Nga cho rằng, các cơ quan cần có chính sách hỗ trợ cho những người khuyết tật vay vốn ưu đãi khi họ là thành viên của hợp tác xã để khẳng định vị thế của họ trong các tổ chức kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã được vay vốn ưu đãi về lãi suất, thời gian để có vốn tiếp tục phát triển đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Lý cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về người khuyết tật; tạo điều kiện để họ được hưởng các chính sách của Nhà nước. Đồng thời, quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nghề, cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.

“Hàng năm, tăng cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm; xem xét bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật”, ông Lý nhấn mạnh.

Ở địa phương, ông Lý cũng kiến nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục có sự quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay đối với người khuyết tật trên địa bàn. Ngoài ra, có sự phối hợp chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư với hoạt động tín dụng chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục