Tăng năng suất lao động - Bài toán khó của Việt Nam

14:43' - 18/08/2015
BNEWS Cho đến thời điểm hiện nay và trong suốt thời kỳ khá dài kể từ khi đổi mới cơ chế quản lý và tham gia hội nhập quốc tế vào năm 1986 đến nay, năng suất lao động của Việt Nam luôn ở mức rất thấp.

Năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu cơ bản quyết định đến khả năng cạnh tranh của một quốc gia cũng như của từng doanh nghiệp. Cho đến thời điểm hiện nay và trong suốt thời kỳ khá dài kể từ khi đổi mới cơ chế quản lý và tham gia hội nhập quốc tế vào năm 1986 đến nay, năng suất lao động của Việt Nam luôn ở mức rất thấp.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan, 1/10 của Hàn Quốc và 1/15 của Singapore. Bên cạnh báo cáo của ILO, tại hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quốc hội tổ chức cũng đã phản ánh năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 61,4% mức bình quân của các nước ASEAN.

Đây là điều đáng suy nghĩ và hết sức lo ngại cho dù cách tính năng suất lao động bằng cách lấy GDP/người chưa hoàn toàn chính xác. Song về cơ bản con số đó cũng nói lên sự thật là năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Với mức năng suất lao động thấp như vậy khó có thể nói đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Điều này không chỉ do quy mô nhỏ bé, năng lực tài chính thấp, công nghệ lạc hậu hay nguồn nhân lực chất lượng thấp mà nguyên nhân cơ bản chính là trình độ và năng lực quản lý của các doanh nghiệp còn rất hạn chế.

Trải qua ba chục năm mở cửa hội nhập nhưng việc các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các hệ thống, mô hình quản lý, và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến trên thế giới còn rất hạn chế. Rất nhiều hệ thống, mô hình quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng đã được áp dụng phổ biến rộng rãi trên thế giới và đã đem lại năng suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả, tăng giá trị gia tăng nhưng rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết đến hoặc chưa tiếp cận được.

Số các doanh nghiệp tiếp cận triển khai áp dụng các hệ thống, mô hình công cụ này một cách thực sự nghiêm túc còn rất ít. Đây chính là yếu tố gây rất nhiều thất thoát lãng phí trong các doanh nghiệp Việt Nam và năng suất thấp là không thể tránh khỏi.

Trao tặng máy gặt đập liên hợp cho xã biên giới An Thạnh, Tây Ninh

Đó là trên góc độ của doanh nghiệp, còn về phía quản lý vĩ mô nền kinh tế cũng còn những hạn chế bất cập như chưa nhận thức và thay đổi bắt kịp với những yêu cầu và những thách thức đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong suốt những năm vừa qua chúng ta chưa nhận thức và thực sự quan tâm đầy đủ đến chỉ tiêu năng suất lao động. Hầu hết các doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu hàng năm đều không tính chỉ tiêu năng suất lao động mà mới chỉ quan tâm đến mức tăng GDP hàng năm nói chung.

Những yếu tố như sự bất hợp lý của cơ cấu kinh tế, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và và đặc biệt là chỉ đạo điều hành triển khai chính sách kinh tế còn có những hạn chế cũng khiến năng suất lao động còn thấp. Bên cạnh đó, hệ thống quy trình thủ tục của các ngành rất nhiều dẫn đến thời gian xử lý công việc kéo dài gây lãng phí lớn về thời gian cũng là yếu tố khiến giá thành cao, năng suất thấp.

Từ thực tế này, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, có nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao qua đó sớm bắt kịp với các nước trong khu vực. Đối với doanh nghiệp, sự chủ động và quyết tâm là rất quan trọng, doanh nghiệp phải tập trung vào cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ sản xuất mới cũng như nâng cao trình độ quản lý, xây dựng được môi trường làm việc có thể khuyến khích được người lao động nỗ lực hết mình trong lao động để tăng năng suất.

Về phía nhà nước thời gian qua đã có những cải cách rất mạnh mẽ, tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu về tăng năng suất thì thủ tục hành chính cần phải tiếp tục được cải tiến, tiếp theo là đầu tư cho khoa học công nghệ.

Với các nước phát triển, khoa học công nghệ có tác động chi phối trong việc tăng năng suất lao động trong khi nếu so sánh với Hàn Quốc thì đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam chỉ bằng 1% của Hàn Quốc.

Điều này có nghĩa Việt Nam có cơ hội để tăng đầu tư vào lĩnh vực này, có thêm nguồn lực tài chính để tập hợp được nhà khoa học giỏi. Khi các nhà khoa học cùng chung sức thì việc tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt và cho năng suất cao là điều có thể nhìn thấy.

Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục