Tăng trưởng của ngành nông nghiệp có thể chạm đáy 5 năm

16:13' - 04/11/2015
BNEWS Với tốc độ tăng trưởng dự báo là 2,21%, năm 2015 sẽ là năm ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua.
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2015 đạt mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2015. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 4/11, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, ước năm 2015, tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 2,21% (giảm 1,4% so với năm 2014) và giá trị sản xuất tăng 2,3% (giảm 1,8%).

Tuy nhiên, tính chung trong giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp vẫn có tốc độ tăng trưởng đạt 3,1%, trong khi kế hoạch là 2,6 - 3%.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 đạt 30 tỷ USD, đạt 96,7% so với kế hoạch. Trong khi mục tiêu của kế hoạch 5 năm là 21 tỷ USD/năm. Các mặt hàng dự báo duy trì đạt mức kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là: gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, điều, sắn, hoa quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, tôm, cá tra.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, có hai lý do chính mà ngành gọi là khó khăn khăn “kép” khiến ngành có tốc độ tăng trưởng thấp nhất. Thứ nhất là thời tiết và thị trường. Cụ thể, ảnh hưởng của El-nino đã gây tác động lên sản xuất trồng trọt và thủy sản. Đây cũng là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng của ngành đều gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân tác động đến xuất khẩu nông lâm thủy sản thời gian qua là nhiều nước phá giá đồng tiền so với đồng USD. Xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đa phần sử dụng USD trong thanh toán. Trong khi đó, tỷ giá VNĐ so với USD vẫn cơ bản ổn định.

Gần đây Ngân hàng Nhà nước đã “nới” tỷ giá nhưng so với mức phá giá của các đồng tiền khác vẫn thấp hơn nhiều (điển hình là Trung Quốc và EU). Điều này khiến nông lâm thủy sản Việt Nam khi xuất sang các thị trường có giá cao hơn, khả năng cạnh tranh kém đi.

Cùng với đó, nhiều nước nâng hàng rào kỹ thuật như về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và hàng rào phi thuế quan khiến nông sản Việt Nam xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành không đạt so với kế hoạch, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến hết năm, Ban chỉ đạo thị trường nông nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình sản xuất, thị trường nông lâm thủy sản để đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách mở rộng thị trường cũng như tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng trọng yếu. Ban chỉ đạo sẽ đánh giá tình hình cung cầu các mặt hàng trọng yếu, đồng thời đề xuất giải pháp khai thác cơ hội thị trường gạo các tháng cuối năm.

Đối với sản xuất, Bộ chỉ đạo triển khai sản xuất vụ Đông 2015 các tỉnh phía Bắc; chăm sóc và thu hoạch lúa Thu đông 2015, lúa Mùa 2015 tại các tỉnh phía Nam đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng hạn hán, thiếu nước và ở vùng sản xuất lúa kém hiệu quả nhằm đảm bảo sản xuất và thu nhập cho người dân./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục