Tăng trưởng tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm đạt 67% kế hoạch

17:27' - 10/07/2018
BNEWS Đến hết 30/6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 181.768 tỷ đồng, 5,8% so với cuối năm 2017.
Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Kar. Ảnh: Quang Huy - TTXVN
Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa cho biết, đến hết 30/6, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại ngân hàng đạt 181.768 tỷ đồng, tăng 9.978 tỷ đồng (+5,8%) so với cuối năm 2017; trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 160.837 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch cả năm.
Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng thông tin thêm, đến 30/6 tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 13.723 tỷ đồng (+7,8%) tỷ đồng so với năm 2017; trong đó, nguồn vốn điều lệ đạt 13.893 tỷ đồng, tăng 3.197 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 10.908 tỷ đồng, tăng 1.863 tỷ đồng; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 22.548 tỷ đồng, tăng 4.054 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh hiện nay chỉ chiếm 0,81% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,42%.
Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ, đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 137 nghìn lao động, trong đó gần 3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 10 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 840 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 14,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 100 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP…
Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, cơ quan này đã bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết HĐQT, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chỉ đạo điều hành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách và đảm bảo nguồn vốn thanh khoản; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tích cực thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục