Tăng trưởng xanh, công cụ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế bền vững

20:04' - 26/11/2017
BNEWS Tăng trưởng xanh được coi như phần quan trọng của phát triển bền vững và là công cụ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh bền vững...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, trong giai đoạn hiện nay, tăng trưởng xanh được coi như phần quan trọng của phát triển bền vững và là công cụ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh bền vững, là một yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học cũng cho rằng, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và thực hiện hóa mục tiêu bền vững của quốc gia.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Các thách thức này bao gồm biến đổi khí hậu và các hình thái thời tiết cực đoan, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, thách thức trong lồng ghép tăng trưởng xanh trong kế hoach phát triển kinh tế xã hội và các chính sách hiện hành, thách thức trong thúc đẩy tài chính xanh và thách thức từ quá trình đô thị hóa cũng như nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng về vấn đề này.

Nhưng các thách thức cũng được xem là các cơ hội để hoàn thành các mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội để gắn mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ước tính, nhu cầu nguồn lực cho tăng trưởng xanh của Việt Nam ước khoảng 30 tỷ USD.

Cam kết của Chính phủ thông qua hỗ trợ ngân sách quốc gia là cần thiết, song theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách hạn hẹp, mà cần phải huy động mọi nguồn lực từ hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân và đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài song song với hỗ trợ quốc tế; trong đó, ước tính 70% kinh phí cho tăng trưởng xanh từ khu vực tư nhân, quốc tế và bên ngoài.

Để đạt được mục tiêu này, theo Thứ trưởng Phương, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch cũng như khuôn khổ chính sách khuyến khích huy động và phát huy mọi nguồn lực xã hội trong và ngoài nước, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, nguồn hỗ trợ phát triển đầu tư nước ngoài và các nguồn hỗ trợ quốc tế khác.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc tham gia và đóng góp cũng như xây dựng, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh là yêu cầu hết sức quan trọng đặt ra hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thực hiện tốt vấn đề về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, thông qua các hoạt động, như: tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm; tái chế chất thải; tiết kiệm tài nguyên…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ môi trường, lựa chọn công nghệ xanh, chuyển hướng sang sản xuất xanh..., cũng như tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Do đó, việc tham gia vào quá trình xanh hóa sản phẩm và sản xuất của doanh nghiệp là cần thiết.

Như vậy, buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí về năng lượng và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng, từ đó góp phần làm gia tăng giá trị của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục