Tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm

10:43' - 15/01/2018
BNEWS Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2018, để hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Bộ sẽ tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Hội nghị Tổng kết ngành công thương năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành công thương ngày 15/1, Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2018, để hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, Bộ sẽ tạo các đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ ưu tiên chỉ định thầu trong nước đối với những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành.

Trong kế hoạch hành động năm 2018, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày...

Bên cạnh đó, Bộ thực hiện xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các ngân hàng thương mại; Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn các nguồn lực phục vụ hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ...

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị, Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa chữa Luật số 71/2014/QH13 để xử lý vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm máy nông nghiệp nhằm tránh sự bất bình đẳng giữa máy móc sản xuất trong nước và máy móc nhập khẩu; trong đó bất lợi thuộc về sản xuất trong nước.

Theo đánh giá của ông Đào Phan Long, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, nhìn lại 15 năm, có thể nói ngành cơ khí Việt Nam có những bước tiến bộ về chế tạo kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn.

Trước đây, tất cả dạng kết cấu thép, thiết bị phi tiêu chuẩn của các nhà máy công nghiệp, dàn khoan dầu khí, công trình thủy điện, thủy lợi, nhà máy xi măng, hóa chất đều phải mua của nước ngoài... nhưng nay Việt Nam đã chủ động được với tỷ lệ nội địa hóa cao. Cùng với đó, Việt Nam cũng có tiến bộ rất lớn về việc đóng tàu và có thể đóng tàu 70.000 tấn, 105.000 tấn.

Báo cáo kết quả hoạt động năm 2017 của Bộ Công Thương cho thấy, ngành cơ khí trong thời gian qua đã từng bước làm chủ thiết kế, chế tạo kết cấu thép và nâng cao tỷ lệ nội địa như Giàn khoan Tam Đảo 05; thiết bị phục vụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến 600MW…

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng chỉ ra những hạn chế của ngành chế biến chế tạo. Trong đó, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian thấp hơn so với chỉ số sản xuất sản phẩm phục vụ sử dụng cuối cùng cho thấy, sản xuất công nghiệp trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, chưa thực sự đáp ứng tốt được yêu cầu đề ra.

Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo đượcc mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hóa phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.

Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành. Cùng với đó, vốn đầu tư vào công nghiệp đa số tập trung vào các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm, số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục