Tạo đà cho kinh tế trang trại phát triển

06:41' - 27/12/2016
BNEWS Chú trọng đầu tư phát triển kinh tế trang trại là hướng đi phù hợp đối với người nông dân, tạo bước đột phá trong xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trang trại gà gần 10.000 con của cơ sở chăn nuôi Quang Hằng-thành viên của HTX. Ảnh: Thu Hương-TTXVN

Kinh tế trang trại cũng tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Những năm gần đây, người nông dân ở Phú Thọ đã gặt hái được nhiều “quả ngọt” trong phát triển kinh tế, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở Phú Thọ đã có nhiều thay đổi.

Thu bạc tỷ nhờ trang trại

Từ những mảnh đất tưởng chừng "vô tác dụng", nhưng ông Bùi Đức Luận, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao đã tận dụng để xây dựng trang trại nuôi lợn, sau 10 năm chăn nuôi ông Luận đã trở thành một tỷ phú với thu nhập cả chục tỷ đồng mỗi năm và trở thành một trong những trang trại nuôi lợn lớn nhất ở Phú Thọ.

Ông Luận cho biết, năm 2002, nhờ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ khuyến khích và hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi lợn siêu nạc theo mô hình khép kín với số vốn vay 100 triệu lãi suất ưu đãi. Từ đó, gia đình ông Luận đã đầu tư mua 15 nái lợn và từ đó nhân rộng lên.

Ngoài ra, gia đình ông cũng mạnh dạn vay mượn đầu tư thêm, phát triển dần lên 30 nái rồi 100 nái và đến thời điểm này gia đình ông có 300 nái cho sinh sản luân phiên. Mỗi tháng ông cho số lợn sinh sản này theo từng đợt để gối các lứa, tức là lứa lợn nọ gối lứa lợn kia để cho cho số lượng lợn thịt bán được thường xuyên, quanh năm mà không phải lo về con giống, chất lượng lại đảm bảo.

Hiện trang trại của ông Luận có tới 300 lợn nái, hơn 3.000 con lợn thịt và lợn nhỡ. Theo tính toán của ông Luận, mỗi năm xuất bán khoảng 300 - 350 tấn lợn thương phẩm, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 3 đến 4 tỷ đồng mỗi năm.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2002 đến năm 2012 ông Luận đã mua thêm được 2ha diện tích đất lúa kém hiệu quả của người dân xung quanh. Sau đó ông xin phép chính quyền địa phương được chuyển đổi từ cơ cấu đất kém hiệu quả sang chăn nuôi trồng trọt với hiệu quả cao hơn.

Chăn nuôi trang trại mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nhờ đó, ngoài 2ha nuôi lợn, 4ha ao nuôi cá, ông Luận còn có 0,5 ha đất trồng bưởi diễn với 200 gốc. Toàn bộ số bưởi này đã bước sang năm thứ 7 và đã cho thu hoạch, dự kiến năm nay được khoảng 5.000- 6.000 quả, thu về cả trăm triệu đồng.

Còn mô hình nuôi gà sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Hòa, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh cũng thu tiền tỷ nhờ 4ha nuôi gà sạch và trồng cây ăn quả.

Năm 2010, chị Hòa thuê 40.000m2 đất đồi để chăn nuôi gà thịt kết hợp với trồng cây ăn quả. Trong trai trại của chị chủ yếu nuôi gà Minh Dư, gà ta là những giống gà thịt thơm ngon lại cho năng suất cao.

Theo đó, bình quân mỗi năm ông nuôi 4 lứa, mỗi lứa khoảng 30.000 con, mỗi năm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 240 tấn gà thương phẩm, cho doanh thu khoảng 14 tỷ đồng, trừ chi chí cũng thu lãi gần 2 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm ổn định cho từ 7 đến hơn 10 lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng...

Hướng tới phát triển bền vững

Phú Thọ hiện có trên 200 trang trại đang hoạt động, trong đó có 50,5% số trang trại được cấp giấy chứng nhận theo quy định với tổng giá trị nguồn vốn 536 tỷ đồng.

Các mô hình kinh tế trang trại hoạt động hiệu quả đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương, khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, tạo ra sự liên kết trong sản xuất, thu hút vốn nhàn rỗi của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Tại nhiều địa phương, phát triển kinh tế trang trại đã gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh.

Nhiều trang trại đã tự hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư đẩy mạnh xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín; áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa lớn và tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Ông Kiều Đức Mạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn cho biết, phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại là một chủ trương của huyện nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trong quá trình phát triển, một số trang trại đã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp về kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm đem lại hiệu quả cao. Nhờ đó, bình quân thu nhập sau khi trừ chi phí mỗi trang trại có lợi nhuận trung bình từ 300 - 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trang trại còn phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch và định hướng phát triển của địa phương. Một số trang trại chăn nuôi chưa quan tâm đến việc xử lý chất thải nên còn tình trạng gây ô nhiễm môi trường và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các trang trại còn hạn chế.

Để kinh tế trang trại tạo được sức mạnh mới trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn, tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.

Với mục tiêu phát triển kinh tế trang trại trở thành hạt nhân nòng cốt cùng với các thành phần kinh tế khác khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng về đất đai, vốn, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, gắn kết giữa sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm... tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 500 trang trại hoạt động đạt tiêu chí theo quy định.

Tổng giá trị sản lượng hàng hoá của các trang trại đạt trên 1.200 tỷ đồng và thu nhập bình quân đạt 450 triệu đồng/trang trại/năm.

Chính vì vậy, tỉnh Phú Thọ đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo đà cho kinh tế trạng trại phát triển, trong đó tập trung rà soát, xác định vùng phát triển cho từng loại hình kinh tế trang trại đảm bảo theo quy hoạch.

Cùng với việc chỉ đạo triển khai cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế trang trại và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đã ban hành, các địa phương tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các gia trại, trang trại phát triển sản xuất; chủ động hướng dẫn thủ tục đăng ký, thực hiện cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các trang trại đạt tiêu chí và đủ điều kiện theo quy định.

Với những giải pháp cụ thể về hỗ trợ đào tạo, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng một số mô hình kinh tế trang trại điểm về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản hy vọng kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục