Tạo mọi điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư quốc tế

16:12' - 26/04/2018
BNEWS Để huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam, việc áp dụng PPP là một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thời gian qua.
Hội thảo liên ngành kế hoạch triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
“Tạo mọi điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư quốc tế”, đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông tại Hội thảo về kế hoạch triển khai dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội.

Hội thảo là cơ hội để Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của các chuyên gia cũng như kinh nghiệm của quốc tế về mô hình đối tác công tư (PPP) trước khi triển khai xây dựng các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hình thức đầu tư theo mô hình PPP là kênh thu hút vốn đem lại hiệu quả rất lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có kinh nghiệm và lộ trình thực mô hình này khác nhau.

“Để huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam, việc áp dụng PPP là một trong những giải pháp quan trọng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thời gian qua. Với lĩnh vực hạ tầng giao thông, từ năm 1997, Bộ Giao thông Vận tải đã kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ bằng hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay các dự án BOT được triển khai mới chỉ có nhà đầu tư và tổ chức tín dụng trong nước tham gia”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Thứ trưởng Đông cũng đánh giá, hiện nhiều dự án đã tiến hành thu phí, thậm chí một số công trình kết thúc thời gian hoàn vốn cho thấy nhiều mặt tích cực, nhưng Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận thấy còn một số tồn tại, bất cập, nhất là hệ thống pháp luật về đầu tư PPP chưa đồng bộ, đầy đủ. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông cần thiết phải tạo mọi điều kiện để huy động nguồn vốn đầu tư quốc tế.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, từ năm 2008, WB đã thống nhất với Chính phủ Việt Nam triển khai dự án thí điểm đầu tư theo PPP là dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Sau nhiều năm thẩm định, với nỗ lực của WB, Bộ Giao thông Vận tải cùng nhiều cơ chế đặc thù được đưa ra, nhưng vì nhiều lý do khác nhau như: hệ thống luật pháp liên quan đến vốn góp của Nhà nước, cơ chế bảo lãnh, cơ chế chia sẻ rủi ro,… nên dự án đã dừng triển khai thí điểm.

Tập trung mọi nguồn lực, trong đó có các nguồn vốn  đầu tư quốc tế vào dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh minh họa: TTXVN
Tuy dự án thí điểm không triển khai được như mong muốn, nhưng đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Trong đó phải kể đến việc cần tập trung xây dựng một hệ thống luật pháp, cơ chế trong thu hút đầu tư cho các dự án PPP cũng như phải có sự chia sẻ rủi ro của Nhà nước và khu vực tư nhân một cách rõ ràng mới tạo động lực thu hút nguồn lực. Đây là kinh nghiệm, kiến thức để vận dụng trong việc đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sắp tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, WB, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia kinh tế đã tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp tháo gỡ những vấn đề vướng mắc khi triển khai dự án như: cơ chế chia sẻ rủi ro, nguồn vốn thực hiện, cơ chế đấu thầu,…

Theo ông Achim Fock, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam, WB sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp thông tin về các dự án trong lĩnh vực này được thực hiện tại các nước trên thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về Tổng quan chiến lược thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam; những rủi ro và chính sách chia sẻ rủi ro giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trong các dự án PPP lĩnh vực đường bộ; Ngân hàng và thị trường vốn trong đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam; Xây dựng mô hình đầu tư công - tư hiệu quả dựa trên khung chính sách và pháp lý hiện nay trong đấu thầu và các phương án lựa chọn hình thức đầu tư đường cao tốc. Đồng thời thảo luận về những vướng mắc cơ bản để đề xuất tại Hội thảo cấp cao dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, một trong những thách thức lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng là nguồn lực đầu tư hạn chế so với nhu cầu, nguồn lực đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 25%. Đối với nhiều quốc gia, hình thức PPP như là một công cụ để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công và giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ.

Theo Nghị quyết 52 ngày 22/11/2017 của Quốc hội, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông triển khai từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021 với sự tham gia hỗ trợ của nguồn vốn Nhà nước; đồng thời Quốc hội cũng thông qua một số Nghị quyết về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện đầu tư dự án này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sửa đổi Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức PPP và dự kiến Nghị định sẽ được Chính phủ thông qua trong thời gian tới. Đây là nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xúc tiến triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng như các dự án BOT khác để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục