Tạo môi trường cho doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa

12:43' - 09/12/2016
BNEWS Sau 5 năm triển khai, dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”đã góp phần thay đổi nhận thức của để doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm..
Hội thảo “Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công thương” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”, đến nay sau 5 năm thực hiện, Bộ Công Thương đã có rất nhiều hoạt động nhằm triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp đã từng bước tiếp cận với các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công thương” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, ngay sau khi dự án được phê duyệt, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành và Tổ công tác triển khai dự án;

Tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến về Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” và dự án; tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia dự án cũng như hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký, xây dựng dự án năng suất, chất lượng.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, sau 5 năm triển khai, dự án đã góp phần thay đổi nhận thức của để doanh nghiệp và từ đó các doanh nghiệp này đã có kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp còn xây dựng lại quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nâng cao năng suất lao động vẫn là một bài toán lâu dài đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội.
Thừa nhận những yếu kém của doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam nhấn mạnh, hầu hết các doanh nghiệp đều tụt hậu về công nghệ so với các nước trong khu vực và phụ thuộc vào máy móc, thiết bị nước ngoài. Cùng đó là khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp.

Lực lượng chuyên gia cũng như nguồn kiến thức về việc cập nhật công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh doanh. Ngoài ra, bên cạnh khả năng đàm phán để ký hợp đồng công nghệ không được mở rộng thì doanh nghiệp trong nước phần lớn có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít và liên kết yếu.
Đưa ra giải pháp chung đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô để từ đó nâng cao năng suất của toàn ngành. Mặt khác, tiếp tục tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và khuyến khích phát triển khoa học công nghệ.

Ngoài ra, cần cải cách đào tạo nghề trong các trường đại học, trung cấp dạy nghề, tăng phần thực hành kỹ năng áp dụng vào thực tế. Đặc biệt, việc áp dụng những tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, SA 8000 sẽ giúp các doanh nghiệp có ý thức trong việc đảm bảo chất lượng, môi trường và tuân thủ pháp luật, từng bước tạo uy tín trước khách hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Duy Hòa, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian tới Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp”, sẽ tiếp tục đẩy nhanh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động doanh nghiệp hưởng ứng, tham gia các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng một số mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các ngành đặc thù, làm căn cứ phổ biến để nhân rộng trong các doanh nghiệp cùng ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục