Tạo tiền đề cho xuất khẩu bền vững

14:51' - 29/12/2017
BNEWS Ngay từ những ngày đầu năm mới, Bộ Công Thương sẽ triển khai mạnh về cải cách hành chính, nâng cao sức cạnh tranh, tạo tiền đề cho xuất khẩu bền vững.

Với dự kiến chỉ tiêu về tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội đề ra là từ 7-8% và kim ngạch đạt trên 229 tỷ USD trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, ngay từ những ngày đầu năm mới, Bộ Công Thương sẽ triển khai mạnh về cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh, tạo tiền đề cho xuất khẩu bền vững.

Tăng trưởng ngoạn mục

Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng cao nhất trong nhiều năm qua, trong đó có sự đóng góp tích cực từ xuất khẩu nông lâm thủy sản. Ảnh minh họa: Trung Hiếu/TTXVN

Năm 2017 đã khép lại với với hình ảnh lắng đọng khi đây năm đầu tiên Việt Nam có mức tăng trưởng xuất khẩu 14%, gấp đôi so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6 - 7%.

Đi liền với đó, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 ước đạt hơn 213,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Không chỉ vậy, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (chỉ số IIP) vượt kế hoạch năm và đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,81%. Đặc biệt, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trưởng từ 2 con số trở lên.

Chia sẻ niềm vui thắng lợi, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, để có được kết quả khả quan này phải ghi nhận sự đóng góp tích cực từ kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông lâm thủy sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp chế tạo và nhất là ảnh hưởng từ Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Sau 2 năm liên tiếp ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (VKFTA), Liên minh thuế quan Á - Âu (EAEU), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP)... có hiệu lực kim ngạch xuất khập khẩu đã đạt bước tăng trưởng hết sức ngoạn mục, tăng thêm 100 tỷ USD, từ 300 lên 400 tỷ USD.

Không dừng lại ở đó, Việt Nam liên tục mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đã vượt ngưỡng trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu; trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu.

Theo ông Trần Thanh Hải, nhờ từng bước thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh tế vĩ mô ngày càng thuận lợi hơn cho việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Từ việc phụ thuộc nhiều vào biến động nhanh và mạnh trên thị trường thế giới, lạm phát đã được duy trì ở mức ổn định, hợp lý.

Nhập khẩu hàng hóa đã được định hướng để phục vụ tốt hơn nhu cầu đầu tư, sản xuất trong nước. Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu xuất siêu thương mại kể từ khi gia nhập WTO. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tính chung cả năm 2017 xuất siêu đạt 2,7 tỷ USD.

Điều này giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần giúp Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2017.

Khẳng định nỗ lực của Bộ Công Thương với những kết quả tích cực, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, không chỉ các chỉ tiêu vĩ mô của ngành công thương đạt kết quả ấn tượng, hoàn thành các mục tiêu của năm 2017, mà ngay cả các chỉ tiêu của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đều đạt; trong đó, kể cả các tập đoàn đang gặp nhiều khó khăn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV)…

Tuy nhiên, để có kết quả ngoạn mục như hiện nay, ông Dương Duy Hưng khẳng định: Bộ Công Thương đã tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty trong những lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng chú trọng phát triển thị trường ngoài nước, nhất là thị trường có nhiều tiềm năng và đã ký kết FTA với Việt Nam; thúc đẩy tăng trưởng thị trường hàng hóa trong nước gắn với kiềm chế chỉ số CPI…. Đặc biệt, cải cách hành chính - một trong những giải pháp trọng tâm được Bộ Công Thương liên tục triển khai để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tạo hiệu ứng lan tỏa

Bước sang năm 2018, với mục tiêu chinh phục đỉnh cao mới, dẫu rằng đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng với những giải pháp xuyên suốt cùng những chỉ đạo sát sao từ phía Chính phủ, ngành công thương sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn và hạn chế trong phát triển.

Tuy nhiên, để giải quyết những thách thức này, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp cốt lõi là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đổi mới công nghệ, quản trị.

Bởi, doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là gia tăng về quy mô mà chưa gia tăng về mặt giá trị sản phẩm. Đơn cử như trong các ngành hàng, sản phẩm có tỷ lệ xuất khẩu lớn như điện thoại, dệt may thì việc nhập khẩu nguyên liệu lớn, giá trị gia tăng vẫn còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn chưa tập trung phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường vẫn ở mức hạn chế.

Doanh nghiệp dệt may cần tập trung phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường hơn nữa để cao khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm. Ảnh minh họa: Hải Âu/TTXVN

Theo giới phân tích, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển nên việc tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa vào các thị trường xuất khẩu lớn qua việc ký kết các FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi những lợi thế cạnh tranh khác trong thương mại như giá nhân công rẻ, lợi thế tài nguyên đã bão hòa, không có tính bền vững. Ngoài ra, những yếu tố như thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng cần một chiến lược phát triển lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Năm 2018 là một thời điểm bước ngoặt hết sức quan trọng trong lộ trình thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam bắt đầu thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế đối với 98% biểu thuế (trừ mặt hàng xăng dầu đến năm 2024 thuế suất mới giảm xuống 0%).

Với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… đây cũng là thời điểm hết thời hạn chuyển đổi và bắt đầu phải thực hiện cắt giảm thuế với các mặt hàng Danh mục nhạy cảm. Bởi vậy, bên cạnh việc đàm phán các hiệp định mới, việc điều phối để thực thi hiệu quả các hiệp định đã ký kết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, nếu doanh nghiệp không cập nhật thông tin kịp thời và bắt nhịp với thị trường thế giới thì đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi sân chơi toàn cầu.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bên cạnh việc đơn giản hóa hoặc giảm bớt quy định về điều kiện kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Mặt khác, Bộ cũng sẽ theo dõi sát tình hình kinh tế, thương mại trong và ngoài nước để kịp thời có phản ứng chính sách với những diễn biến mới. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và phát triển thị trường.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các cơ quan Thương vụ ở nước ngoài chủ động nắm bắt thông tin, vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng khuyến cáo doanh nghiệp ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời và nắm chắc thành công trong xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục