Tàu chiến lớn nhất Nhật Bản lần đầu tham gia sứ mệnh hộ tống tàu Mỹ ở Thái Bình Dương

17:04' - 01/05/2017
BNEWS Ngày 1/5, tàu chiến lớn nhất của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản phối hợp với tàu của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương thực hiện sứ mệnh bảo vệ theo đạo luật an ninh mới có hiệu lực từ năm 2016.

Theo hãng tin Kyodo, đây là tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) lần đầu tiên phối hợp với một tàu của hải quân Mỹ thực hiện theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada (Tô-mô-mi I-na-đa), nhằm thể hiện sức mạnh của liên minh an ninh Nhật - Mỹ và răn đe Triều Tiên không được tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Tàu sân bay trực thăng Izumo tại căn cứ hải quân Yokosuka của Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF), ở tỉnh Kanagawa phía Tây Nam Tokyo. Ảnh: AP/TTXVN

Tàu Izumo đã rời căn cứ Yokosuka, phía Tây Nam thủ đô Tokyo từ sáng 1/5 và nhập đoàn với tàu tiếp tế của hải quân Mỹ ở ngoài khơi bán đảo Boso (Bô-xô), tỉnh Chiba (Chi-ba), phía Đông thủ đô Tokyo. Dự kiến, tàu này sẽ di chuyển trong 2 ngày ở Thái Bình Dương để tới vùng biển ngoài khơi khu vực Shikoku (Si-cô-cư) ở phía Tây Nhật Bản.

Đây là hoạt động triển khai lần đầu tiên của Nhật Bản, ngoài việc tiến hành các cuộc diễn tập chung, nhằm bảo vệ hạm đội tàu Mỹ sau khi Thủ tướng Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) mở rộng năng lực quân đội Nhật Bản vào năm 2015, mặc dù vẫn bị hạn chế theo Hiến pháp hòa bình của nước này.

Tàu tiếp tế Mỹ được sự hộ tống của tàu Izumo, nhiều khả năng sẽ tiếp liệu cho các tàu khác của Mỹ hiện được triển khai ở vùng biển gần Nhật Bản nhằm đề phòng nguy cơ Triều Tiên phóng thử thêm tên lửa, cũng như tiếp nhiên liệu cho các tàu thuộc nhóm tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ đang ở gần Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, tàu sân bay Carl Vinson và các tàu của MSDF đã tiến về Biển Nhật Bản ở ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên ngày 29/4 để tiến hành các cuộc tập trận chung.

Theo luật an ninh mới của Nhật Bản, các thành viên Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) được phép bảo vệ các tàu và vũ khí của lực lượng Mỹ tham gia hoạt động có lợi cho việc bảo vệ Nhật Bản.

Nhiệm vụ bảo vệ có thể được thực thi trong nhiều tình huống, bao gồm khi hai nước tham gia các cuộc tập trận chung hoặc giám sát, cũng như các hoạt động thu thập thông tin liên quan đến các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Các thành viên của MSDF được phép sử dụng vũ khí trong phạm vi nhất định để thực hiện nhiệm vụ trên.

Tuy nhiên do quy định hạn chế của Hiến pháp, lực lượng này phải tránh các khu vực diễn ra hoạt động giao tranh có liên quan đến các lực lượng vũ trang của một quốc gia mà Nhật Bản đang hỗ trợ.

Hiến pháp Nhật Bản cấm việc "sử dụng vũ lực" để giải quyết tranh chấp quốc tế, vì vậy chính phủ nước này đã hạn chế khu vực hoạt động của SDF để đảm bảo rằng lực lượng này sẽ không bị xem là một phần trong chiến dịch quân sự của các nước khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục