Tây Nguyên ổn định vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy đường

09:49' - 21/08/2017
BNEWS Đặc biệt, một số nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây mía từ khâu làm đất, trồng mới, chăm sóc, thu hoạch….
Tây Nguyên ổn định vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy đường. Ảnh minh họa: Văn Tý-TTXVN

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã quy hoạch, xây dựng ổn định các vùng nguyên liệu mía để không những đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường hoạt động mà còn tăng thu nhập cho người trồng mía.
Các tỉnh Tây Nguyên đã hướng dẫn các địa phương chuyển các vùng đất nương rẫy trồng rau, màu, ngô, lúa nương… năng suất thấp, kém hiệu quả kinh tế sang trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy đường.
Tỉnh Gia Lai đã tiến hành quy hoạch chuyển các vùng đất nương rẫy sang xây dựng các cánh đồng sản xuất mía lớn với qui mô gần 40.000 ha cho các nhà máy đường trên địa bàn; trong đó, diện tích tập trung nhiều nhất là các huyện phía Đông Trường Sơn như Ia Pa, K’Bang, Đắk Pơ, Konchoro. Bình quân mỗi cánh đồng mía lớn có diện tích liền vùng, liền thửa từ 50 đến 200 ha. Gia Lai cũng là địa phương có diện tích mía nhiều nhất vùng Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã quy hoạch các vùng đất xám bạc màu, pha cát, đất rừng khộp nằm trên địa bàn các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Ea Súp mà trước đây gieo trồng ngô, lúa rẫy năng suất kém, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần mía đường 333, Nhà máy đường Biên Hòa (Khánh Hòa), Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk…
Các doanh nghiệp mía đường đã liên kết với nông dân, ứng mía giống, vốn đầu tư, vật tư, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm… tạo điều kiện để người trồng mía yên tâm đầu tư thâm canh. Các doanh nghiệp mía đường ở Tây Nguyên còn hỗ trợ cho các địa phương vùng trồng mía đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đường giao thông vùng sản xuất mía đường nhằm góp phần phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, thâm canh cây mía trên địa bàn.
Đặc biệt, một số nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây mía từ khâu làm đất, trồng mới, chăm sóc, thu hoạch…. để không những giải phóng sức lao động cho người trồng mía mà còn thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh nên năng suất luôn đạt cao từ 100 đến 130 tấn mía cây/ha/vụ.
Theo tính toán của các doanh nghiệp sản xuất mía đường của tỉnh Gia Lai, mỗi héc ta mía thực hiện theo phương pháp cơ giới hóa toàn bộ trên các cánh đồng mía lớn đều đạt mức lãi ròng từ 35 đến 40 triệu đồng/ha, nhiều hơn gấp 3 lần so với chưa thực hiện cơ giới hóa.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 62.000 ha mía; trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục