Tây Nguyên thu hút vốn đầu tư nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế

11:37' - 05/03/2017
BNEWS Tây Nguyên ngày càng thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh trong khu vực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng.
Người dân ở Đắk Lắk chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, những năm gần đây, Tây Nguyên ngày càng thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh trong khu vực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Chỉ riêng giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên trên 265.700 tỷ đồng, gấp đôi so với giai đoạn 2006 - 2010.

Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn đạt trên 11,3%/năm, trong đó, vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân 14,89%/ năm, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 2,39%/năm, khu vực dịch vụ tăng 12,13%/năm.
Vốn đầu tư tăng mạnh nhất là tỉnh Đắk Nông, gấp 2,5 lần, tăng bình quân 20%/ năm; trong đó, đầu tư phát triển giao thông tăng gấp 4,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

Năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên cũng tăng lên khá cao cũng trên 76.373 tỷ đồng, tăng 15,85% so với năm 2015.

Riêng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý cũng tăng 25,32%.
Bên cạnh đó, các địa phương khu vực Tây Nguyên cũng đã đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên đã nâng cao cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tăng cường quảng bá các tiềm năng, lợi thế của vùng, tích cực tháo gỡ khó khăn để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước vào Tây Nguyên.
Bình quân 5 năm, tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước chỉ chiếm 36,89%, nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm gần 60%, vốn đầu tư trực tiếp nước chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn, mới 1,96%.

Chỉ riêng năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được 254 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là 34.115 tỷ đồng, tăng 111,67% về số dự án và 76,76% về số vốn đăng ký.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có 128 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đầu tư 818,7 triệu USD.

Các dự án này chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ.
Công tác vận động tài trợ ODA, NGO cũng đang được các tỉnh Tây Nguyên quan tâm, phát huy hiệu quả…

Vốn đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư vào Tây Nguyên, tiếp đó là tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và tỉnh Kon Tum.
Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cơ cấu vốn đầu tư vào vùng Tây Nguyên đã có sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng nguồn vốn đầu tư của nhà nước, từ 43,96% năm 2011 xuống còn 29,48% vào cuối năm 2015.

Tỷ trọng vốn đầu tư từ nguồn vốn khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 53,4% lên 69,28%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 1,85% lên 1,96%.

Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai có tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng đáng kể, từ 64,86% tăng lên 71,85%.

Các tỉnh còn nhiều khó khăn như: Kon Tum, Đắk Nông cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút, tăng tỷ trọng của nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thuỷ sản của các tỉnh Tây Nguyên chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành kinh tế (bình quân 19,24%) và có mức tăng tỷ trọng cao nhất (từ 18,03% năm 2011 tăng lên 19,5% vào cuối năm 2015). Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có tỷ trọng vốn đầu tư vào khu vực nông, lâm, thuỷ sản nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên.
Đầu tư phát triển hệ thống giao thông cho khu vực Tây Nguyên cũng được chú trọng.

Tổng số vốn bố trí và huy động trong cả giai đoạn đã đạt khoảng 64.000 tỷ đồng, bằng 1/6 tổng vốn đầu tư toàn xã hội khu vực Tây Nguyên.

Nhiều công trình giao thông trọng yếu trên địa bàn Tây Nguyên đã được hoàn thành đưa vào sử dụng làm thay đổi bộ mặt của vùng như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, quốc lộ 19, 20, 28…, các cảng hàng không, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Pleiku đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hoá trong vùng thông suốt, nhanh chóng kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…
Hiện nay, mạng lưới giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài gần 40.000 km; trong đó, đường quốc lộ có 2.517 km, tỷ lệ cứng hoá đã đạt 88,28%, đường tỉnh dài 1.948 km, cứng hoá đạt 85,3%, đường giao thông nông thôn dài 35.347 km , cứng hoá đạt 42,76%....
Cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, kinh tế của Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày một nâng cao, song vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng.
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Chính phủ cũng như các tỉnh trong khu vực cần sớm có cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư để các nhà đầu tư trong, ngoài nước ngày càng đến nhiều hơn nữa với Tây Nguyên nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục