Tây Ninh gỡ khó cho các doanh nghiệp tại KCN Thành Thành Công

21:12' - 24/02/2016
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh các ngành chức năng cần vận dụng tối đa các hướng dẫn của ngành cấp trên để có giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thành Thành Công.
Tây Ninh gỡ khó cho các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thành Thành Công. Ảnh minh họa: TTXVN
Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu công nghiệp Thành Thành Công tại xã An Hòa, huyện Trảng Bàng ngày 24/2, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân nhấn mạnh, để tháo gỡ các khó khăn về thuế, lao động, đầu tư công nghệ tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, các ngành chức năng cần vận dụng tối đa các hướng dẫn của ngành cấp trên để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí tối đa cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. 

Ông Phạm Văn Tân cũng đề nghị Ban Quản lý khu kinh tế, Liên đoàn lao động tỉnh, UBND huyện Trảng Bàng và các ngành liên quan cần phối hợp nghiên cứu chính sách dạy nghề cho người lao động sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và phải theo kịp với công nghệ mới. 

Theo ông Phạm Văn Tân, Nhà nước có thể sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp chủ động đào tạo nghề cho công nhân theo nhu cầu thực tế của mình, để đỡ mất thời gian phải đào tạo lại và không gây lãng phí cho việc này. Giải quyết những vướng mắc về chính sách cho thuê đất, về thuế... 

Báo cáo tình hình hoạt động, thu hút đầu tư tại đây, ông Đỗ Huy Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Thành Thành Công cho biết, tính đến cuối năm 2015 Khu công nghiệp đã thu hút được 28 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 480,8 triệu USD; trong đó, có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 153 triệu USD. Có 15 dự án đi vào hoạt động (13 dự án đang trong quá trình xây dựng), giải quyết việc làm cho 4.200 lao động. 

Theo ông Hiệp, một số dự án điển hình trong khu công nghiệp như: Dự án dệt may của Công ty TNHH First Team, dự án sản xuất phân bón của Công ty Cổ phần Bình Điền Mê Kông... bước đầu đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. 

Khó khăn hiện nay của khu công nghiệp được ông Hiệp nêu ra là lực lượng công nhân có tay nghề tại địa phương chưa đáp ứng được với nhu cầu của nhà đầu tư, ví dụ như Công ty TNHH dệt may First Team đang triển khai giai đoạn II với công nghệ máy móc hiện đại, nhưng lực lượng công nhân được đào tạo trước đây theo công nghệ máy móc cũ, phải có thời gian đào tạo lại doanh nghiệp mới sử dụng được; còn công nhân cấp quản lý, văn phòng cũng còn vướng nhiều về ngôn ngữ trong giao tiếp... Hiện Công ty cũng đang có văn bản kiến nghị các ngành chức năng của tỉnh giải quyết các vướng mắc về giá cho thuê đất, về thuế, về cấp giấy phép quyền sử dụng đất trong khu để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục