Tết cổ truyền trong lòng người Việt xa quê

12:52' - 09/02/2016
BNEWS Trong niềm hân hoan đón chào năm mới Bính Thân, bà con kiều bào có dịp về quê đón Tết đã có những chia sẻ về Tết cổ truyền của dân tộc cũng như thời cơ, vận hội của đất nước trong mùa xuân mới.

Trong tâm khảm của nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, Tết cổ truyền của dân tộc luôn là dịp sum họp đầm ấm nhất trong năm đối với mỗi gia đình. Trong niềm hân hoan đón chào năm mới Bính Thân, bà con kiều bào có dịp về quê đón Tết đã có những chia sẻ về Tết cổ truyền của dân tộc cũng như thời cơ, vận hội của đất nước trong mùa xuân mới.

Tết Việt - linh hồn Việt

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh (thứ hai, bên trái) cùng đại diện cộng đồng người Việt Nam trong buổi Tết cộng đồng diễn ra tối 5/2/2016. Ảnh: Thanh Thuận/TTXVN

Sinh sống và làm việc ở Mỹ mấy chục năm nay, song năm nào thu xếp được công việc, chị Võ Thị Thanh Tuyền, Việt kiều Mỹ, Giám đốc Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ cũng cố gắng về Việt Nam đón Tết cổ truyền cùng gia đình.

Chia sẻ về Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ, chị Võ Thị Thanh Tuyền cho biết: “Vì đang sinh sống ở nước ngoài, nên cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ gặp nhiều hạn chế khi đón Tết cổ truyền của dân tộc như về thời gian và không khí…

Người Việt Nam ở Mỹ đón Tết cổ truyền không được nhộn nhịp như không khí ở trong nước, vì đây không phải là ngày lễ chính thức của quốc gia sở tại , do đó việc nghỉ làm để cả nhà được tề tựu cùng đón Tết là rất khó.

Tuy nhiên, dù bận rộn đến đâu mọi người vẫn cố gắng sắp xếp tổ chức đón Tết thông qua các hoạt động như tổ chức chợ Tết, gói bánh tét, cúng ông bà tổ tiên, đi vãn cảnh chùa trong ngày 30, mùng 1 Tết… nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc”.

Chị Võ Thị Thanh Tuyền tâm sự, hiện nay có hơn 2 triệu người Việt Nam đang sinh sống trên khắp nước Mỹ. Số lượng người Việt Nam thành công ngày càng tăng lên, đóng góp đáng kể vào các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, luật pháp, y học... của nước sở tại.

Tuy nhiên, có một thực trạng là những trẻ em người Việt được sinh ra ở nước ngoài rất khó cảm nhận một cách sâu sắc về Tết cổ truyền Việt Nam. Đây cũng là trăn trở của bà con khi mong muốn lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc cho những thế hệ sau.

Là nghệ sỹ piano, chị Nguyễn Vân Anh, Việt kiều Australia bày tỏ vui mừng vì Xuân Bính Thân là năm thứ hai chị về nước biểu diễn trong một số chương trình nghệ thuật dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Chị chia sẻ: “Tết cổ truyền của Việt Nam rất thú vị, mang đậm không khí đầm ấm, yêu thương. Vào dịp năm mới, người Australia thường đi du lịch nhưng ở Việt Nam Tết lại là thời điểm để mọi người sum họp, ai đi đâu xa cũng trở về nhà để cùng nhau đón Tết.

Điểm đặc biệt nữa trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam là có bánh chưng và các loại mứt rất ngon, mang đậm hương vị đồng quê”. 

Chia sẻ về cuộc sống của cộng đồng, chị Vân Anh cho biết, cộng đồng người Việt ở Australia nói chung và ở thành phố Sydney nơi chị sinh sống nói riêng có cuộc sống ổn định và gần gũi.

Tại đây có rất nhiều lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em được tổ chức vào cuối tuần. Tết cổ truyền dân tộc được tổ chức ở Australia cũng có nhiều khác biệt so với trong nước, vẫn có bánh chưng song không hoa mai, hoa đào và múa lân.

Vào ngày Tết, các gia đình Việt cùng nhau tập trung gói bánh chưng, bánh tét, song hương vị các loại bánh không ngon được như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, do không phải ngày lễ chính thức nên mọi người phải dành dịp cuối tuần gần ngày Tết cổ truyền nhất để gặp gỡ, chúc mừng nhau.

Sinh sống tại cộng hòa Macedonia (thuộc Nam Tư cũ), nghệ sĩ piano Lê Phi Phi xúc động cho biết, là một nghệ sỹ nên anh thường xuyên về nước biểu diễn vào dịp Tết cổ truyền hàng năm.

Anh cảm thấy tự hào vì là một người con sống xa đất nước song dịp Tết cổ truyền lại được trở về quê hương, góp một phần sức mình và hòa chung vào không khí vui tươi, đầm ấm, phấn khởi của ngày Tết.

Anh Lê Phi Phi tâm sự: “Nơi tôi đang sinh sống có cộng đồng người Việt Nam rất nhỏ bé. Tuy nhiên, chúng tôi luôn gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện về đất nước, quê hương, nấu những món ăn Việt, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền thì ai cũng cố gắng lo được một cái Tết với các món thực phẩm đặc trưng của quê nhà...

Đây cũng là dịp để mọi người gặp gỡ, chia sẻ về công việc, cuộc sống để giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời cũng là dịp giúp trẻ em tìm hiểu về những giá trị văn hóa của quê hương, đặc biệt là Tết cổ truyền của dân tộc, để các con, em mình không quên nguồn cội”.

Chia sẻ cảm nhận về Tết cổ truyền của dân tộc được tổ chức ở Macedonia và ở Việt Nam, anh Phi Phi cho biết: “Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam luôn có những nét đặc trưng khác biệt mà bất cứ người nào đã trải nghiệm một lần đều không thể quên được.

Ở Macedonia cộng đồng người Việt Nam cũng đón Tết song có nhiều khác biệt so với ở trong nước như thiếu nhiều món ăn truyền thống, thiếu từ cành đào, cành mai, nhiều loại hoa, cây cảnh… đặc biệt là không có nét đặc trưng của ngày Tết là không khí mưa xuân ẩm ướt”.

Niềm tin vào sự phát triển của đất nước

Trong không khí Xuân mới, đánh giá cao những thay đổi của đất nước, chị Võ Thị Thanh Tuyền nhận thấy cuộc sống của người Việt Nam càng ngày càng tốt hơn, kinh tế ngày càng phát triển ổn định.

Việt Nam vừa tham gia vào hàng loạt các hiệp định thương mại quốc tế, chị Võ Thị Thanh Tuyền cho rằng đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn.

Chị bày tỏ: “Mỗi khi trở về thăm Việt Nam, tận mắt thấy cuộc sống nhộn nhịp, vui vẻ, đặc biệt là mỗi dịp Tết đến Xuân về khiến tôi có niềm tin tưởng rất lạc quan về tương lai phát triển của đất nước”.

Cũng cùng chung nhận định với chị Thanh Tuyền, chị Nguyễn Vân Anh cho rằng, trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi mỗi người dân phải tự hình thành cho mình một tác phong làm việc phù hợp hơn với môi trường toàn cầu hóa.

Nhìn những thành quả trong thời gian qua thì bước đi lên phát triển của đất nước trong thời gian tới là tất yếu, tôi hi vọng Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn nữa”, chị Vân Anh bày tỏ.

Thấy được niềm vui, phấn khởi của mỗi người dân, đặc biệt là trong dịp Tết đến Xuân về, anh Lê Phi Phi bày tỏ kỳ vọng: “Đất nước sẽ ngày càng "đàng hoàng hơn, đẹp đẽ hơn" để sánh ngang tầm vóc với các nước phát triển trong khu vực và quốc tế, xã hội có nhiều tiến bộ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục. Bên cạnh đó, tỉ lệ người nghèo sẽ được giảm bớt, đặc biệt là vấn đề giao thông sẽ có sự đổi mới tích cực hơn...”.

Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nghệ sĩ Lê Phi Phi bày tỏ: “Sự đi lên về kinh tế, xã hội của đất nước đồng nghĩa với sự đi lên ở nhiều lĩnh vực khác, tôi hi vọng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa.

Đảng và Nhà nước sẽ có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi để văn hóa nghệ thuật Việt Nam được quảng bá rộng rãi hơn nữa trên thế giới và những nghệ sỹ đang sinh sống ở nước ngoài như tôi sẽ có cơ hội được đem tài năng phục vụ quê hương”./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục