Tết xa quê vì mưu sinh

20:53' - 10/02/2016
BNEWS Đâu đó vẫn còn có người lặng lẽ ở lại nơi đất khách quê người trong ngày Tết, mong kiếm thêm được thu nhập cho gia đình và bản thân.

Trong quan niệm của người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp sum họp, đoàn tụ cùng gia đình. Dù đi làm ăn xa ở đâu, nhiều người vẫn tìm cách về nhà ngày Tết, để được thắp nén hương cho tổ tiên, quây quần bên người thân.

Đâu đó vẫn còn có người lặng lẽ ở lại nơi đất khách quê người trong ngày Tết. Ảnh minh họa: cand.com.vn

Nhưng vì hoàn cảnh, đâu đó vẫn còn có người lặng lẽ ở lại nơi đất khách quê người trong ngày Tết mong kiếm thêm được thu nhập cho gia đình và bản thân.

Những ngày Tết, đến những xóm trọ, kí túc xá sinh viên sẽ bắt gặp không ít người lao động, sinh viên ở lại Thủ đô không về quê đón Tết. Mỗi người một hoàn cảnh khó khăn khác nhau, nhưng họ luôn tin tưởng vào ngày mai tương sáng vì sự cố gắng của mình.

Là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Hà Nội, cô gái nhỏ bé nhưng đầy nghị lực Trần Vân Khanh, quê Thái Bình cho biết, đã 2 năm liền em chưa về quê ăn Tết cùng gia đình. Một phần là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần do công việc cần phải làm trong những ngày Tết.

Ngoài việc học tập ở trường, Vân Khanh còn làm thêm tại một quán cà phê để kiếm thêm tiền sinh hoạt hàng ngày và trang trải học tập. Khanh chia sẻ, làm việc vào những ngày Tết được nhận lương thưởng nhiều hơn, lương ngày tết thường gấp ba lương ngày thường nên em tranh thủ ở lại Hà Nội để kiếm thêm tiền phục vụ việc học.

“Dù rất buồn vì không được ở bên gia đình đón Tết, vui Xuân nhưng tiết kiệm được chi phí di chuyển đỡ đần gia đình thì em cũng đành chấp nhận”, Trần Vân Khanh tâm sự.

Nhiều gia đình ở Hà Nội có nhu cầu giúp việc ngày Tết rất cao. Thế nên, họ thường đề nghị trả lương cao để những người giúp việc ở lại đón Tết cùng nhằm phụ giúp những công việc như: bếp núc, dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc trẻ con, người già.

Tết Bính Thân 2016, cũng như các năm trước, chị Nguyễn Thị Lành, gần 50 tuổi (quê Thái Bình) ở lại nhà chủ ngày Tết. Dù dáng người gầy, khắc khổ, song khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên chị Lành được nhà chủ quý mến, trả công thỏa đáng.

Chị cho biết, đã làm giúp việc được gần chục năm. Những năm trước, chị cũng xin nghỉ về quê ăn Tết cùng gia đình. Hai năm nay, do gia chủ đề nghị ở lại phục vụ ngày Tết, trả lương cao, chị đã nhận lời. “Tôi còn đơn thân, nên việc ở lại Hà Nội ngày Tết cũng không có nhiều bận tâm như những người khác. Tuy vậy, ngày Tết quê hương vẫn là nơi mình luôn muốn trở về”, chị Nguyễn Thị Lành bày tỏ.

Những ngày Tết, lượng người sử dụng taxi làm phương tiện di chuyển đi du xuân tăng hơn so với ngày thường. Bởi vậy, nhiều lái xe taxi ở lại Hà Nội mong kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Anh Vũ Mạnh Tường (quê ở Hưng Yên) mới hành nghề taxi chưa đầy một năm.

Tết Bính Thân là năm đầu tiên anh Tường không ở bên gia đình. Anh Tường cho biết, do mới mua xe để hành nghề, tiền mua xe phải đi vay mượn ngân hàng, nên anh ở lại Thủ đô kiếm thêm thu nhập để trả nợ.

Mỗi độ xuân về Tết đến, dường như trong tâm thức của những người con xa quê, luôn mong chờ ngày sum họp, đoàn tụ gia đình. Nhưng đâu phải ai cũng được thỏa nguyện, nhất là với những sinh viên con em gia đình nghèo, người lao động. Họ phải chấp nhận đón Tết xa quê để mưu sinh, với mong muốn có một cuộc sống ổn định, ấm no hơn trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục