Thách thức tài chính trong kế hoạch quốc phòng của Nhật Bản

05:30' - 04/07/2017
BNEWS Bài viết trên tạp chí The Diplomat nhận định rằng khi căng thẳng khu vực gia tăng, Nhật Bản sẽ phải tận dụng tối đa nguồn ngân sách quốc phòng hạn chế của nước này.
Thách thức tài chính trong kế hoạch quốc phòng của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Tạp chí The Diplomat gần đây có bài viết với tiêu đề “Tất cả nằm ở đồng yen: Nhật Bản bắt đầu kế hoạch Quốc phòng trung hạn” đề cập đến sự kiện ngày 20/6, Ủy ban Nghiên cứu An ninh của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản công bố báo cáo tạm thời khuyến nghị về dự thảo kế hoạch quốc phòng của nước này trong tài khóa 2019-2023.

Ủy ban này do cựu Thứ trưởng Quốc phòng Hiroshi Imazu đứng đầu dự kiến sẽ công bố báo cáo cuối cùng vào năm 2018. Hai khuyến nghị được nêu trong báo cáo tạm thời mà dư luận đặc biệt chú ý gồm:

Thứ nhất, khuyến nghị Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thảo luận về lựa chọn “khả năng tấn công-phản công đối phương”. Khuyến nghị này là một trong các khuyến nghị chính đã được Hội đồng Nghiên cứu các vấn đề chính sách của LDP đưa ra hồi tháng 3 năm nay.

Thứ hai, Nhật Bản sẽ tham khảo để sử dụng tiêu chuẩn về ngân sách quốc phòng của các quốc gia thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tiêu chuẩn này quy định ngân sách chi tiêu quốc phòng chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ngoài ra, những nội dung khác như phát triển vệ tinh giám sát quân sự, phát triển khả năng tấn công trên không gian mạng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cũng được đề cập trong nội dung của báo cáo.

Trước đó, các khuyến nghị do LDP đưa ra đã được Chính phủ Nhật Bản lấy làm cơ sở để thảo luận sửa đổi hai văn bản quan trọng là Kế hoạch phòng vệ quốc gia hay còn gọi là Hướng dẫn chương trình phòng vệ quốc gia (NDPG) và Chương trình phòng vệ trung hạn (MTDP).

Cụ thể, năm 2013, Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành sửa đổi NDPG, các khuyến nghị của LDP công bố hồi tháng 6/2013 đã có tác động đáng kể đối với không chỉ NDPG và MTDP (cả hai được công bố hồi tháng 12/2013), mà đối với cả chính sách an ninh quốc gia đang được Nhật Bản tiến hành hiện nay.

Nhiều đề xuất chính của LDP được đưa ra trong năm 2013 như thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia, ban hành "Luật cơ bản về an ninh quốc gia" và "Nguyên tắc an ninh quốc gia cơ bản”, tất cả đều đã được thực hiện.

Ngoài ra, nhiều đề xuất về phương hướng phòng vệ và chương trình quốc phòng của Nhật Bản (triển khai máy bay vận tải Osprey Tiltrotor và xe tăng lội nước Amphibious Assault Vehicles) cũng đã được đưa vào MTDP hiện tại. Như vậy, báo cáo tạm thời của Ủy ban nghiên cứu về an ninh vừa được LDP công bố rất có ý nghĩa vì nhiều khả năng đây là những cơ sở để sửa đổi MTDP năm 2019-2023.

Báo cáo tạm thời đã chỉ ra những quan ngại ngày càng tăng trước các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, báo cáo cũng phản ánh tâm lý tự chủ trong phòng vệ của các nhà lập pháp LDP. Mặc dù Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, nhưng Tokyo vẫn cần phải đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa khả năng phòng vệ để bảo vệ lãnh thổ và đối phó các nguy cơ.

Máy bay chiến đấu F-35 được giới thiệu tại Toyoyama, Nagoya, Nhật Bản ngày 5/6. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Với phong cách “giao dịch” không theo quy chuẩn vốn có của Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là những quan ngại về tính chắc chắn trong cam kết của Mỹ, gần đây, dư luận cũng lo ngại rằng ông Trump có thể sẵn sàng chấp nhận hành động của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, nếu nước này thành công trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân và đưa các bên trở lại cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.

Bên cạnh đó, việc ông Trump chưa muốn khẳng định cam kết quốc phòng với các đồng minh châu Âu trong chuyến thăm tới châu lục này hồi cuối tháng 5 vừa qua càng làm dấy lên những lo ngại đó.

Nhiều khuyến nghị đưa ra trong báo cáo tạm thời không phải là mới, như việc đề cập tới khả năng "phản công" của Nhật Bản - điều có thể gây ra những tranh cãi về chính trị, đã được LDP khuyến nghị từ năm 2013; hay chi phí quốc phòng chiếm 2% GDP, trước đó LDP cũng khuyến nghị tăng chi phí dành cho quốc phòng với nhiều cuộc thảo luận được tổ chức.

Việc LDP tiếp tục khuyến nghị tăng chi phí dành cho quốc phòng cho thấy những thách thức mà Nhật Bản vẫn sẽ phải đối mặt là nguồn ngân sách hạn hẹp. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản chỉ bằng khoảng 1/10 so với Mỹ, dù Chính quyền của ông Abe đã không ngừng tăng ngân sách này kể từ khi nắm quyền.

Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng Nhật Bản chỉ dừng ở mức 1% GDP. Việc tăng ngân sách trong những năm gần đây chính xác chỉ là phục hồi mức cắt giảm của thập kỷ trước đó.

Ngoài ra, bản báo cáo tạm thời của LDP đưa ra ngày 20/6 vừa qua vẫn chưa có những giải thích thuyết phục vì sao phải tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP. Hơn nữa, những cam kết quốc phòng của Nhật Bản được bổ sung như trang bị máy bay chiến đấu F-35, máy bay không người lái Global Hawk, máy bay vận tải Ospreys và xe tăng lội nước AAVs, vẫn chưa đủ cơ sở để tăng ngân sách quốc phòng tới 2% GDP.

Nhật Bản không thể đơn thuần chỉ phát triển theo một “danh sách các kỳ vọng” mà nước này muốn đạt được trong lĩnh vực quân sự; Tokyo cần phải có một cuộc thảo luận nghiêm túc để lựa chọn mua mới hiện đại hóa thiết bị vũ khí quân sự hay duy trì các năng lực hiện có.

Nếu những chương trình nghiên cứu và phát triển không đưa ra được kết quả mong đợi hoặc chậm tiến độ, các chương trình đó nên xem xét chấm dứt. Đó là bởi trong thời gian tới, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản có khả năng vẫn sẽ bị hạn chế.

Như vậy, thay vào việc đưa ra một “danh sách các kỳ vọng” quân sự, các nhà lập pháp LDP có thể mở cuộc thảo luận về những khó khăn và những yếu tố cần thiết cho các chương trình quốc phòng của nước này trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục