Thái Bình tích tụ ruộng đất, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao

14:24' - 23/03/2017
BNEWS Đây là xu thế tất yếu nhằm nâng chất lượng nông sản và có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Thái Bình tích tụ ruộng đất, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Phạm Quỳnh

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong 5 hướng đột phá kinh tế nông nghiệp được tỉnh Thái Bình xác định sẽ thực hiện trong năm 2017.

Đây là xu thế tất yếu nhằm nâng chất lượng nông sản và có ý nghĩa quan trọng trong tái cơ cấu ngành, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Dù mới được manh nha song đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình đang là “mảnh đất vàng” cho nhiều doanh nghiệp.

Nông nghiệp công nghệ cao được Chính phủ quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây. Theo Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, phấn đấu đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm sẽ xây dựng 7 - 10 doanh nghiệp; 5 - 7 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1 - 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo thống kê của ngành công thương Thái Bình, hiện trên địa bàn có 7 doanh nghiệp và một số cơ sở tư nhân chế biến lúa gạo với công suất trên 10.000 tấn/năm/cơ sở; 7 công ty chế biến rau quả công suất 2.000 - 3.000 tấn/năm; 3 cơ sở chế biến thịt lợn và lợn sữa với công suất 1.000 tấn thịt lợn/năm và 4.000 - 5.000 tấn lợn sữa/năm.

Ngoài ra, địa phương có 9 doanh nghiệp sản xuất lúa giống, 19 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, 10 doanh nghiệp đầu tư sản xuất thủy, hải sản và chỉ có 1 doanh nghiệp chế biến ngao. So với lợi thế và truyền thống thâm canh nông nghiệp của tỉnh Thái Bình thì số doanh nghiệp đầu tư vào ngành này vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, chủ trương phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Thái Bình là đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Cụ thể năm 2017 tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện 3 giải pháp trọng tâm, 5 đột phá chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, trong đó có đột phá xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao.

Cuối tháng 2/2017, nông nghiệp tỉnh Thái Bình đánh dấu bước tiến mới bởi dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa gạo chất lượng cao do Tập đoàn TH làm chủ đầu tư đã chính thức được khởi công.

Dự án có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000 ha. Đây là dự án áp dụng sản xuất công nghệ cao quy mô lớn hàng đầu của tỉnh Thái Bình, mở ra triển vọng phát triển kinh tế nông nghiệp sạch trong tương lai.

Đồng thời, dự án được kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất nông nghiệp theo lối cũ bằng tư duy và phương thức sản xuất nông nghiệp hoàn toàn mới, hiệu quả cao, phát triển bền vững trên mảnh đất Thái Bình.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư) cho biết, từ năm 2007 cánh đồng rộng lớn ven đê sông Hồng thuộc địa bàn xã được giao cho 1 doanh nghiệp đóng tàu, tuy nhiên dự án của doanh nghiệp này “án binh bất động” không thể triển khai trong thời gian dài.

Tận dụng diện tích đất bị bỏ hoang, người dân tiến hành canh tác, song gần đây Tập đoàn TH về thuê lại diện tích này phục vụ sản xuất rau củ quả hữu cơ với diện tích 20,7 ha đất nông nghiệp thuộc xã Dũng Nghĩa.

Sau khi có chủ trương từ tỉnh, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân đã sớm thống nhất và bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp thực hiện dự án trong một thời gian ngắn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, để thực hiện đột phá chiến lược sản xuất nông nghiệp thì vấn đề trọng tâm của tỉnh Thái Bình hiện nay là đẩy mạnh tích tụ đất đai. Trong đó năm 2017, các huyện sẽ quy hoạch quỹ đất từ 500 - 1.000 ha nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào địa bàn.

Tích tụ ruộng đất tại Thái Bình được thực hiện theo hình thức vận động người dân ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp với thời hạn từ 20 năm trở lên.

Giá thuê tùy thuộc vào đặc điểm mỗi vùng sinh thái, điều kiện sản xuất như độ mầu mỡ của đất đai, điều kiện hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất….

Sau 5 năm giá thuê được điều chỉnh một lần, mỗi lần chênh lệch không quá 5% đơn giá hiện hành. Bằng cơ chế này, đến nay tỉnh Thái Bình đã vận động tích tụ được trên 5.000 ha đất nông nghiệp, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng tiếp nhận các doanh nghiệp phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người dân vẫn còn lo lắng, e ngại trong việc cho doanh nghiệp thuê đất. Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư) cho biết, theo chủ trương chung của tỉnh, xã Dũng Nghĩa đã quy hoạch trên 75 ha để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Trong đó, diện tích trồng cây màu 30 ha, diện tích trồng lúa 45 ha.

Song đến nay người dân địa phương chưa đồng thuận về giá thuê với doanh nghiệp. Theo đó doanh nghiệp sẽ trả phí cho nông dân 800.000 đồng - 1 triệu đồng/sào/năm, 150 kg lúa/sào/năm (đối với diện tích đất thuận lợi, cho hiệu quả cao) và 120 kg lúa/sào/năm (đối với diện tích đất kém hiệu quả).

Bà Trần Thị Hoàn (thôn Vô Thái, xã Dũng Nghĩa) cho rằng, giá thuê này chưa hợp lý so với mặt bằng chung canh tác trên đất không có doanh nghiệp thuê lại. Mặt khác, tư liệu sản xuất của nông dân là ruộng đất, nếu cho doanh nghiệp thuê lại trong thời gian 20 năm, chỉ số ít lao động nông thôn sẽ được làm thuê cho doanh nghiệp trên chính mảnh ruộng của mình. Phần lao động nông thôn dôi dư sẽ rơi vào thiếu việc làm, ảnh hưởng đến ổn định cuộc sống

Sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần mở rộng diện tích canh tác nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích hiện có.

Đây là xu thế tất yếu trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung. Lợi thế của doanh nghiệp là vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, phương thức sản xuất hiện đại và thuận lợi hơn trong tìm kiếm đầu ra thị trường nông sản.

Khi doanh nghiệp đầu tư sẽ giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và đóng vai trò đầu tàu trong chuỗi giá trị nông sản. Bởi vậy trong tích tụ ruộng đất yêu cầu hàng đầu là yếu tố tự nguyện, đồng thuận của nông dân trong “bắt tay” với doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục