Thái Nguyên tư vấn kỹ thuật cho người nuôi cá nước ngọt

21:48' - 24/03/2017
BNEWS Tỉnh Thái Nguyên hiện có 7.155 ha diện tích mặt nước ao, hồ, ruộng, trong đó có 2.140 ha ao, 4.015 ha hồ chứa và khoảng 1.000 ha ruộng kết hợp cấy lúa với nuôi thủy sản.
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá giống của Xí nghiệp Thủy sản Hồ Núi Cốc. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Trong hai ngày 23 và 24/3, tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị mang chủ đề “Giải pháp phòng, trị bệnh cho cá nước ngọt”, với sự tham gia của Trung tâm khuyến nông các tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn và Thái Nguyên cùng một số hộ dân nuôi cá nước ngọt.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước có thế mạnh về phát triển ngành thủy sản đã lựa chọn những giống cá chất lượng như cá trôi, trắm, chép, rô phi đơn tính… phù hợp với môi trường nước ngọt đưa vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, theo ông Kim Văn Tiêu, trong quá trình chăn nuôi, nhiều yếu tố tác động như môi trường, con giống, thời tiết… làm cho cá mắc một số bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất nuôi.

Do vậy, chương trình được tổ chức nhằm giúp nông dân chủ động phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống hiệu quả, tránh gây thiệt hại về kinh tế.

Tại chương trình, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá nước ngọt hiệu quả như: Quy trình cải tạo ao nuôi trước khi thả cá; kỹ thuật chọn và thả cá giống; mật độ thả, cách chăm sóc, quản lý và phòng, trị bệnh cho cá; các loại bệnh thường gặp trên cá nước ngọt và cách điều trị.

Các đại biểu cũng chia sẻ về cách lưu mẫu bệnh phẩm để gửi đến các cơ quan chức năng chẩn đoán bệnh để chữa trị kịp thời cho cá; các loại thuốc và hóa chất thường dùng trong nuôi trồng thủy sản; các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản...

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 7.155 ha diện tích mặt nước ao, hồ, ruộng, trong đó có 2.140 ha ao, 4.015 ha hồ chứa và khoảng 1.000 ha ruộng kết hợp cấy lúa với nuôi thủy sản.

Ngoài ra, còn 12.000 ha mặt nước các sông suối, có khả năng nuôi lồng, nuôi eo ngách, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Năm 2016, diện tích mặt nước đưa vào sản xuất là 5.841 ha, sản lượng đạt gần 9.400 tấn.

Tỉnh Thái Nguyên dự kiến đến năm 2020, sẽ đưa gần 6.900 ha diện tích mặt nước vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản thương phẩm đạt 15.400 tấn, đồng thời hướng sản phẩm tới chất lượng cao và an toàn thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục