Tham vấn dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp

17:23' - 31/05/2018
BNEWS Theo ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, nếu rừng tự nhiên được quy định theo điều 4 của dự thảo thì Quảng Ninh sẽ cơ bản không còn rừng tự nhiên.

Ngày 31/5, tại Quảng Ninh, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo Tham vấn các tỉnh phía Bắc dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Hội thảo Tham vấn các tỉnh phía Bắc dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Ảnh: Bích Hồng/TTXVN/BNEWS

Theo ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ninh, cần xem xét lại tiêu chí xác định rừng tại điều 4 của dự thảo. Quy định rừng tự nhiên trên đồi, núi đất 5m; hay đối với rừng ngập mặn từ 1m trở lên là quá cao.

“Nếu rừng tự nhiên quy định thế này thì Quảng Ninh sẽ cơ bản không còn rừng tự nhiên. Nhiều khu vực của tỉnh có hàng trăm héc ta rừng ngập mặn cũng chỉ cao 80-80cm. Do đó cần nghiên cứu sửa tiêu chí này”, ông Nguyễn Văn Bông góp ý.

Đồng tình với góp ý trên, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai cho rằng, quy định như dự thảo sẽ có những khu rừng đặc thù rất ít cây cao trên 1m. Như vậy thì sẽ loại bỏ nhiều diện tích rừng, nhiều khu rừng đặc dụng (rừng ngập mặn, rừng ven biển…) hiện nay sẽ không được xác định là rừng nữa, nên cần tính toán lại chỉ tiêu kỹ thuật này cho hợp lý.

Cùng với đó, ông Vĩnh cũng góp ý về việc quy định vai trò của các ban quản lý rừng đặc dụng. “Cần làm rõ hơn vai trò của các Ban quản lý rừng đặc dụng với các vùng đệm, nhất là những vùng đệm sát vùng lõi rừng. Nên có quy định các dự án đầu tư phải có ý kiến của ban quản lý rừng đặc dụng vì có những công trình có ảnh hưởng đến vùng lõi rừng, ngay sát ban quản lý nhưng không thể can thiệp được vì không được quy định cụ thể”, ông Vĩnh chỉ ra.

Góp ý cho dự thảo Nghị định, ông Phạm Xuân Phương, chuyên gia tư vấn cho rằng, khoản 1 điều 36 dự thảo Nghị định quy định “khi tiến hành giao rừng, cho thuê rừng… quy định phải tiến hành đồng thời và đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về vị trí, ranh giới, diện tích, vị trí…” vẫn quá chung chung và không rõ với những loại rừng trên đất rừng. Cần cụ thể thành các vấn đề như: giao đất hoặc cho thuê đất mà trên đó có rừng cần giao, cho thuê; giao rừng cho thuê rừng mà trên đất có các loại rừng cần cho thuê; thu hồi rừng trên đất đã giao và cho thuê…

Hay điều 38 của dự thảo cần xem xét lại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì việc giao rừng cùng với giao đất; Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, giám sát. Sở Tài nguyên và Môi trường không biết nhiều về rừng nhưng lại giao đất rừng thì rất khó thực hiện, ông Phương góp ý.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị cần làm rõ khái niệm “giao lần đầu”; xem lại việc giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân vì họ đang là người phá rừng nhiều; làm rõ cơ quan lâm nghiệp chuyên trách ở cấp huyện vì hiện đang là phòng nông nghiệp nhưng thực tế lại là hạt kiểm lâm làm.

Hay khi mở cửa rừng tự nhiên, tỉnh không trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mà là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình…

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hội thảo tham vấn dựa trên tinh thần căn cứ vào tình hình thực tiễn để xây dựng Nghị định cho tính khả thi cao.

“Những góp ý rất chính xác, cải tiến nâng cao Nghị định sẽ được ban soạn thảo tiếp thu không chỉ hoàn thiện Nghị định này mà còn cả những nghị định và thông tư khác sẽ được xây dựng cho Luật Lâm nghiệp”, ông Điển nhấn mạnh.

Ông Điền cho biết, bản dự thảo sẽ cập nhật các ý kiến đóng góp và sẽ được tiếp tục xin ý kiến tại miền Trung, miền Nam và các chuyên gia góp ý hoàn chỉnh Nghị định./.

>>>Tham vấn dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục