Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên gây khó cho Trung Quốc

05:30' - 22/07/2017
BNEWS Tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang đẩy đồng minh lâu năm là Trung Quốc vào tình thế khó khăn.
Tham vọng hạt nhân của Triều Tiên gây khó cho Trung Quốc. Ảnh: EPA/TTXVN

Mục phân tích và bình luận của hãng tin ABC mới đây có bài viết cho rằng khi Triều Tiên tiến gần hơn đến khả năng phóng tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân vượt qua biển Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Trung Quốc gây áp lực buộc Bình Nhưỡng phải chấm dứt ngay chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. 

Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên lớn đến mức nào? Nhìn lại lịch sử gần đây của hai nước có thể thấy quan hệ của họ phức tạp hơn nhiều so với vẻ bên ngoài. Xét về mặt lịch sử, Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên vô cùng gần gũi. 

Trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần đầu tiên hồi năm 1894, Triều Tiên là một nước chư hầu dưới Triều đại nhà Thanh. Thậm chí sau khi trở thành một nhà nước độc lập, Triều Tiên vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc ở “gần như tất cả các cấp”, kể cả quan hệ quân sự. 

Giống như nhiều người khác cùng thời, Kim Nhật Thành -nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên- đã chiến đấu bên cạnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai.

 Người ta chưa thể xác định chính xác điểm khởi đầu của chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng việc nước này thành lập Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon hồi năm 1962 là một cột mốc quan trọng. 

Giáo sư Xiao Ren - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc thuộc Đại học Phúc Đán - cho rằng Triều Tiên thiết lập chương trình hạt nhân chủ yếu là để bảo vệ an ninh của nước này. Người Triều Tiên cảm thấy bị Mỹ đe dọa và đó chính là lý do để họ phát triển vũ khí hạt nhân. 

Theo vị Giáo sư này, mặc dù Trung Quốc và Triều Tiên là những đồng minh thân cận trong những năm tháng của cuộc Chiến tranh Lạnh, ngày nay liên minh này chỉ còn trên danh nghĩa. Quan điểm chính thức của Chính phủ Trung Quốc là phản đối Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã hạn chế các lệnh trừng phạt của họ đối với các nguyên vật liệu và các cá nhân liên quan tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên cũng như phản đối các lệnh trừng phạt mở rộng. 

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục Bình Nhưỡng rằng chương trình hạt nhân không phải là lợi ích tốt nhất cho họ, nhưng Triều Tiên lại khẳng định đó là “ưu tiên hàng đầu bảo vệ chế độ của nước này”.

Trong nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên luôn cho rằng Mỹ áp đặt chính sách thù địch và muốn lật đổ chế độ này bằng mọi giá. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Jame Reilly, chuyên gia về chính trị Đông Bắc Á thuộc Đại học Sydney, dựa trên bằng chứng lịch sử, đây là một giả định thiếu thuyết phục. 

Theo ông, “Triều Tiên đã sống sót trải qua chuyển giao lãnh đạo cuối cùng đầy ấn tượng, đến nỗi các chuyên gia Mỹ cũng khó có thể tưởng tượng”.

Ông Reilly cho rằng nếu chế độ Triều Tiên sụp đổ, Trung Quốc sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: người tị nạn Triều Tiên sẽ tràn vào nước này, họ có bom hạt nhân, có tên lửa, có pháo binh… Điều này đi ngược lại với lợi ích của Trung Quốc trong khu vực không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Tuy nhiên, cũng rất khó để cân bằng các kịch bản khác nhau. Rõ ràng, Trung Quốc đang ở trong một tình huống hết sức khó khăn. Ông Reilly khẳng định bất kỳ hành động quân sự nào chống Triều Tiên cũng sẽ là thảm họa. Lúc đó các động thái tiếp theo sẽ không thể kiểm soát. Mỹ cũng không nên ảo tưởng về việc Trung Quốc sẽ bỏ rơi Triều Tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục