Thận trọng khi “găm” cà phê

08:00' - 20/09/2015
BNEWS Theo đánh giá của các chuyên gia, sản lượng cà phê Việt Nam từ đầu năm đến nay xuất khẩu giảm có một phần nguyên nhân là do nông dân, các doanh nghiệp Việt Nam đã quá “găm” hàng.

Nông dân Bảo Lộc (Lâm Đồng) phơi và bảo quản cà phê sau thu hoạch. Ảnh TTXVN
Ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền trưởng Bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết thời gian qua, giá cà phê Arabica của Brazil và Colombia giảm mạnh nhờ phá giá đồng tiền ở hai quốc gia này. Điều này cũng gây sức ép đối với xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam.
Trong khi đó, cà phê Arabica cũng được thị trường ưa chuộng hơn cà phê Robusta. Khi giá cà phê Arabica giảm mà giá cà phê của Việt Nam hầu như vẫn giữ, các nhà nhập khẩu đã chuyển sang cà phê Arabica.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, lượng cà phê tồn kho của các nước Mỹ, Nhật Bản, Brazil và Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cao. Việt Nam vẫn đang giữ lượng tồn kho trong khi các nước khác đã hạ giá để xuất khẩu.
Brazil có thể hạ giá để nỗ lực xuất khẩu khi kinh tế rơi vào suy thoái. Đồng tiền các thị trường tiêu thụ lớn, các nước xuất khẩu cà phê lớn đề giảm mạnh so với US D.
Chuyên gia Đoàn Triệu Nhạn đánh giá, thị trường cà phê năm nay rất ảm đạm, còn nhiều trong dân nhưng không bán được. Việc tích trữ do cách quản lý từng nhà nông, từng doanh nghiệp.
Những năm trước, nông dân bán ngay từ đầu vụ, khi giá lên chỉ biết ngồi nhìn. Năm nay, đầu vụ nông dân không bán, song giá ngày càng xuống.
Ông Đoàn Triệu Nhạn nhận định, khi các nhà rang xay đến thời điểm cần cà phê thì Việt Nam không bán, đòi giá cao hơn, nên đã quay sang nhập khẩu của các nước khác như Indonesia . Việt Nam đã mất khách vì giữ giá cao quá.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa gặp được các nhà rang xay. Cà phê Việt Nam hướng đến nhiều thị trường bên ngoài nhưng chưa khảo sát hết thị trường, thị trường như thế nào chưa hình dung được. Doanh nghiệp vẫn ngồi nhà chờ khách đến mua mà không chủ động liên hệ với nhà rang xay.
Theo các chuyên gia, sang tháng 10, Việt Nam sẽ bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2015-2016, việc tiêu thụ cà phê sẽ trở nên càng khó khăn hơn nhiều. Trước khi vào vụ mới, nông dân, doanh nghiệp cần xem xét việc bán ra trước khi thị trường thế giới “ngập” cà phê và sẽ buộc phải giảm giá trong một thế yếu.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo giá cà phê Robusta năm 2016 giảm 10% so với năm 2015. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo giá cà phê Robusta giảm 3% năm 2016 và 5% năm 2017, giảm sâu 13% năm 2020 (so với năm 2015).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê 8 tháng đạt 874.000 tấn với tổng giá trị 1,79 tỷ USD, giảm 32,7% về khối lượng và giảm 33,1% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đạt 2.060 USD/tấn, tăng 0,23% so với cùng kỳ năm 2014. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,9% và 11,28%./.
Bích Hồng 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục