Thanh Hóa vẫn giữ được vùng nguyên liệu mía

07:15' - 18/11/2015
BNEWS Nhiều nhà máy đường thiếu nguyên liệu do giá đường thấp, người dân không mặn mà với cây mía thì vùng nguyên liệu của Nhà máy Đường Lam Sơn, Việt Đài, Nông Cống (Thanh Hoá) vẫn ổn định và phát triển.

Nhập mía nguyên liệu vào nhà máy. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Thanh Hóa là một trong những tỉnh có diện tích mía đường lớn nhất cả nước. Trong niên vụ mía 2015-2016, diện tích mía toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 27.745 ha. Trong đó vùng nguyên liệu của nhà máy đường Lam Sơn là 12.776 ha, tăng 116 ha so cùng kỳ; cũng nguyên liệu của nhà máy đường Việt-Đài 9.698 ha; vùng nguyên liệu của nhà máy đường Nông Cống 5.680 ha.

Năng suất mía nguyên liệu toàn tỉnh ước đạt 58 tấn/ha, cao hơn 1,3 tấn/ha so với cùng kỳ, trữ lượng đường đạt trung bình 9,6 CCS. Với sản lượng mía này, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn cơ bản được giữ ổn định cho hoạt động trong vụ ép 2015-2016.

Ông Mai Nhữ Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh đã có các chính sách riêng để phát triển vùng mía nguyên liệu như đầu tư ứng trước vốn, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật cho người trồng mía; hỗ trợ kinh phí cho ban chỉ đạo huyện, xã và thưởng cho các địa phương, hộ trồng mía có diện tích, năng suất mía vượt kế hoạch.

Riêng trong năm 2015, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía với kinh phí lên đến 349 tỷ đồng. Theo đó, bình quân 1 ha mía được các nhà máy đường đầu tư 12,3 triệu đồng. Trong đó vùng Lam Sơn đầu tư 16,3 triệu đồng/ha, vùng Việt- Đài đầu tư 4,6 triệu đồng/ha, vùng Nông Cống đầu tư 15,8 triệu đồng/ha.

Trước khi vào vụ ép, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất và thống nhất giá thu mua giá mía nguyên liệu của cả 3 nhà máy là 900.000 đồng/tấn mía có chữ đường 10CCS tại bờ lô, nơi thuận tiện cho xe ra, vào nhận mía.

Với mía có chữ đường dưới 10 CCS sẽ được các nhà máy đường thu mua với giá không thấp hơn 850.000 đồng/tấn. Khi giá đường tăng hoặc giảm quá 10% thì giá mua mía nguyên liệu được điều chỉnh tương ứng.

Cách làm này cũng góp phần ngăn chặn được các hành vi ăn chặn tiền bán mía, gây phiền hà, sách nhiễu cho người trồng mía. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cũng đề xuất các doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan lên kế hoạch, thời gian thu hoạch mía cụ thể.

Với những giống mía chín sớm phải được thu hoạch trước, chín muộn thu hoạch sau và thu hoạch đến đâu, vận chuyển đến đó.

Các doanh nghiệp phải thu mua giá mía nguyên liệu nhanh gọn, đánh giá chính xác trữ lượng, chất lượng mía nguyên liệu. Khi thanh toán tiền cho các chủ hộ trồng mía, các nhà máy đường phải giảm tối đa các thủ tục gây phiền hà cho nhân dân. Trong trường hợp các chủ hộ trồng mía có nhiều mía và thời gian thu hoạch dài, cần có cơ chế ứng trước, quyết toán sau để các chủ hộ có kinh phí tái đầu tư sản xuất và tiêu dùng.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa cũng đã chuyển đổi 1.674 ha cây trồng khác sang trồng mía (trong đó có chuyển 166 ha đất lúa hiệu quả thấp sang trồng mía). Với những diện tích đất lúa kém hiệu quả này chuyển sang trồng mía đều phát huy hiệu quả khi cho năng suất cao, đạt 70 tấn/ha.

Để đảm bảo vùng mía nguyên liệu được giữ ổn định, các nhà máy đường đều ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ mía trực tiếp với các tổ chức, cá nhân ngay từ đầu vụ sản xuất; bao tiêu toàn bộ mía cây tại vùng nguyên liệu.

Người dân thu hoạch mía. Ảnh: TTXVN

Vùng mía nguyên liệu của nhà máy đường Lam Sơn có diện tích lớn nhất, năng suất cao nhất và cũng là vùng được đầu tư nhiều nhất. Để có được thành công này, trong những năm vừa qua, nhà máy đường Lam Sơn đã gắn bó, đồng hành cùng bà con nông dân.

Trong những năm qua, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã trực tiếp đứng ra vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó cho bà con nông dân vay với lãi suất thấp 7%/năm.

Cùng với đó toàn bộ khâu làm đất cũng được công ty hỗ trợ bằng cơ giới. Đến nay đã có trên 90% hộ dân trồng mía sử dụng máy làm làm đất của công ty. Những chi phí về vay vốn đầu tư sản xuất, chi phí làm đất bằng cơ giới, bà con nông dân được trả chậm vào cuối vụ thu hoạch mía.

Ông Lê Bá Triều, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cho biết, khi trồng mía, bà con nông dân không chỉ được hỗ trợ vay vốn, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, mà công ty cũng có những chính sách khuyến khích các hộ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng mía. Theo đó nếu năm sau các hộ trồng mía có năng suất mía cao hơn năm trước, công ty sẽ mua phần tăng thêm đó với giá cao hơn mức trung bình 10% so với giá chung.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhà máy đường Lam Sơn cũng khép kín quy trình sản xuất đường để hạ giá thành sản phẩm như tận dụng bã mía để sản xuất điện. Hiện công ty đã có nhà máy sản xuất điện với công suất 12,5 MW điện  hòa vào lưới điện quốc gia. Qua đó tận dụng được bã mía, giảm được ô nhiễm môi trường và chủ động nguồn điện trong những tháng ép mía.

Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng gặp không ít khó khăn khi giá đường liên tục giảm. Hơn nữa mía đường ở Thanh Hóa cơ bản được trồng trên các vùng đồi đất đai cằn cỗi nên năng suất bình quân còn thấp hơn của cả nước. Giá thành sản xuất đường của các nhà máy còn cao làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi các nhà máy đường phải tiếp tục cải tiến nâng cao năng suất bằng áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, trồng cánh đồng mía lớn. Ngành nông nghiệp tỉnh Thanh hóa định hướng đến năm 2020, diện tích mía phải đạt mức ổn định 25.800 ha, năng suất 90 tấn/ha; sản lượng mía nguyên liệu đạt 2,3 triệu tấn; chữ đường đạt 11ccs./. 

Trịnh Duy Hưng/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục