Thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh

21:11' - 10/09/2016
BNEWS Ngày 10/9, Tổng Cục Hải quan tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh tại Ninh Bình.
Lễ thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh. Ảnh: Tổng Cục Hải quan

Việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh sẽ tạo điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại 3 địa bàn: Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài Chính, Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, tốc độ kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn ba tỉnh 10 năm qua liên tục tăng trưởng trên 10%/năm.

Tổng số doanh nghiệp thường xuyên có hoạt động xuất khẩu trên địa bàn gần 1.000 doanh nghiệp. Hàng hoá, hoạt động xuất nhập khẩu hướng về Hải Phòng, Nội Bài và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, luồng thủ tục hành chính lại ngược về Thanh Hoá. Như vậy, việc thành lập Cục Hải quan Hà Nam Ninh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tại những địa phương trên.

Theo đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, nhiệm vụ của Cục Hải quan Hà Nam Ninh là phục vụ doanh nghiệp, sự phát triển của kinh tế xã hội trên địa bàn ba tỉnh, bảo đảm pháp luật về hải quan, phát luật về thuế xuất nhập khẩu.

Đồng thời, giúp cải thiện môi trường đầu tư, nâng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, Cục Hải quan Hà Nam Ninh thực hiện hải quan điện tử đối với 100% số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Đơn vị cũng thực hiện tốt Nghị quyết 35/NQ-CP để giảm thời gian thông quan, chi phí của hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Hiện Kim ngạch xuất nhập khẩu sản xuất và lưu thông trên địa bàn ba tỉnh, 3 chi cục hải quan mới phục vụ được 65%; còn 35% vẫn làm thủ tục hải quan ở ngoài địa bàn.

Do vậy, việc cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết để nâng tính cạnh tranh.

Cơ quan hải quan có trách nhiệm tăng cường sự phối kết hợp với sở ban ngành nhất là cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình là tỉnh thuộc Khu vực Đồng bằng Sông Hồng, gần kề với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc Nam chạy qua và liên kết chặt chẽ với các khu vực lân cận.

Hiện trên địa bàn 3 tỉnh có tổng cộng 26 Khu công nghiệp với tổng diện tích là 5.700ha.
Đây là yếu tố thuận lợi và là tiềm năng lực đẩy để 3 tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đây, công tác quản lý nhà nước về hải quan trên địa bàn các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình do Cục Hải quan tỉnh Thanh Hoá đảm nhiệm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục