Thanh trà mất mùa, nông dân Thừa Thiên-Huế thiệt hại nặng

21:46' - 13/10/2016
BNEWS Sản lượng thanh trà ở Thừa Thiên-Huế giảm mạnh, trong khi nhu cầu lại không cao, khiến người nông dân bị thiệt hại hàng tỷ đồng.
Người làm vườn phường Thủy Biều (thành phố Huế) bán thanh trà sau thu hoạch Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Những năm qua, thanh trà là giống cây trồng từng mang lại thu nhập cao cho khoảng 800 hộ làm vườn tại Thừa Thiên - Huế (khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha/năm). Nhưng năm nay, sản lượng thanh trà giảm sút mạnh, khó bán, người làm vườn trong tỉnh thiệt hại hàng tỷ đồng. 

Hiện tại, ngoài yếu tố thời tiết thất thường ở đầu vụ, có lẽ do phát triển nóng vội, người dân sử dụng cây tạp, mắt ghép từ những cây bị bệnh, cây nhiều tuổi; chế độ chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Điều này đã dẫn đến tình trạng giống cây nhanh bị thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng kém, đặc biệt là những vườn cây nhiều năm tuổi, ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi thanh trà Huế. So với năm trước, năm nay tại các chợ, giá thanh trà chỉ bán được từ 10.000 - 15.000 đồng/quả, bằng một nửa giá năm ngoái. 

Phường Thuỷ Biều, vốn là vựa cây đặc sản thanh trà của thành phố Huế phát hiện bệnh chảy gôm ở cây trồng này. Bệnh này khiến cây thanh trà thối gốc chảy mủ trên toàn bộ thân, làm cho cây bị rụng lá từ từ và chết dần. Hiện này bệnh đang phát triển, lây lan và gây hại mạnh ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng của thanh trà. Những người có kinh nghiệm làm vườn ở Phường Thuỷ Biều cho biết, thường thanh trà ra hoa vào tháng 12 năm trước và tháng 1 đầu năm nay, tới khoảng tháng 3 là trái đã to hơn quả chanh. Năm nay, đã cuối tháng 3, hoa thanh trà mới bắt đầu nở rộ. Thanh trà vừa ra hoa muộn lại gặp thời tiết lạnh, nên đậu quả rất thấp kéo theo đó là sâu bệnh phát triển làm thiệt hại cho người làm vườn trong năm nay. 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phục tráng thành công mẫu gene cây thanh trà. Theo đó, các nhà khoa học đã tạo ra được một lượng lớn cây giống thanh trà sạch, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu người làm vườn và giải quyết được nguy cơ mất nguồn gene giống bưởi quý này do quá trình thoái hóa. Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang thực hiện 4 dự án chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản thanh trà đến năm 2020.

Theo đó, ngoài tổ chức hội thi trái ngon thanh trà Huế theo quy mô toàn tỉnh; tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục mở rộng thành viên tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể thanh trà Huế; nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng thanh trà toàn tỉnh; xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong canh tác thanh trà ở phường Thủy Biều. 

Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã trồng được hơn 1.000 ha thanh trà, phân bố chủ yếu ở các huyện Phong Điền, Phú Vang, thành phố Huế và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Ở Huế, thanh trà chỉ trồng được ở một số xã ven bờ sông Hương như Nguyệt Biều, Lương Quán (ven bờ Nam) và Kim Long, Hương Long, Hương Hồ (bờ Bắc sông Hương). Đây là vùng đất ven bờ thượng nguồn con sông Hương, có một lượng lớn phù sa bồi tụ hàng năm. Thanh trà ở đây có hương vị đặc biệt, ngọt, thanh không bị chua, the như giống bưởi ở các nơi khác. 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu hình thành được trên 1.200 ha bưởi thanh trà trên diện tích đất phù sa bãi bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục