Thay đổi cách tiếp cận chiến lược năng lượng

08:31' - 05/05/2018
BNEWS Theo Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, quá trình phát triển năng lượng ở Việt Nam có còn sự mất cân đối giữa các phân ngành năng lượng, giữa cung cầu, giữa nhu cầu đầu tư và nguồn vốn đầu tư.
Giải quyết thách thức chất thải nhiệt điện. Ảnh: TTXVN

Việc phân bố hệ thống năng lượng theo vùng, lãnh thổ còn thiếu cân đối. Với những biến động trong hoạt động xuất nhập khẩu năng lượng gần đây, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng. 

PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, Việt Nam vẫn đang phát triển công nghiệp hóa “cổ điển” như các ngành than, thép, cơ khí hóa, điện khí hóa....và các ngành khai thác tài nguyên truyền thống như xi măng, sắt thép. Các ngành này hiệu quả kinh tế không cao trong khi tiêu tốn tài nguyên và ô nhiễm môi trường.
"Công nghiệp hiện vẫn chiếm phần lớn cơ cấu tiêu thụ năng lượng với 45,7%, giao thông vận tải 31,7%. Trong khi ngành khai thác tài nguyên, đặc biệt là than và dầu khí đang có xu hướng giảm và gặp nhiều khó khăn", ông Thiên nói.
Ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, ngành năng lượng Việt Nam có tài nguyên khá dồi dào, phong phú nhưng Việt Nam lại khó cạnh tranh với chi phí năng lượng vẫn còn cao. Vì vậy, phải thay đổi toàn bộ tư duy và cách tiếp cận chiến lược năng lượng; trong đó, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng là “bắt buộc” chứ không chỉ là “cần lựa chọn”.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ, ngành năng lượng Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó. Đó là việc chấm dứt phát triển năng lượng hạt nhân, khủng hoảng nhân sự tại Tập đoàn Dầu khí, vấn đề điều chỉnh giá điện, tăng phí môi trường xăng dầu, nguồn than ngày càng cạn kiệt và khó khai thác hơn...
Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, trong cung cấp than, hạn chế về trình độ công nghệ thăm dò, phương pháp đánh giá dẫn đến chi phí đầu tư lớn, sai số cao, độ tin cậy thấp và những rủi ro không lường trước khi thăm dò, đánh giá trữ lượng than. Bên cạnh đó, tài nguyên than chưa được đánh giá theo nguyên tắc thị trường, dẫn đến lãng phí, quản lý không hiệu quả và không thể chia sẻ, hội nhập với thị trường thế giới.
Đối với dầu, khí, việc khai thác có điều kiện địa chất phức tạp, một số mỏ đưa vào khai thác với sản lượng thấp hơn so với sơ đồ công nghệ; trữ lượng các mỏ dầu mới phát hiện nhỏ...Trong khi đó đến nay, các yếu tố phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch của Việt Nam vẫn còn rất ít. Dự báo, trong khoảng 10-15 năm tới, nhu cầu tăng trưởng năng lượng ngày càng cao thì áp lực lên giá năng lượng sẽ ngày càng lớn.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên nhu cầu tăng trưởng năng lượng hàng năm là rất lớn. Vì vậy, cần phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống năng lượng như điện, dầu khí, than, năng lượng mới; trong đó, quan tâm phát triển năng lượng sạch, ưu tiên năng lượng mới và tái tạo.
Đồng quan điểm trên, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết, từ trước tới nay, bàn về năng lượng chủ yếu nói tới sản xuất, nguồn cung. Trong khi đó, các khía cạnh khác trong tổng thể ngành năng lượng như tiêu dùng, sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao lại không được đề cập tới.
“Thời gian tới, để giải quyết vấn đề, chiến lược phát triển năng lượng cần bao quát cả lĩnh vực sản xuất lẫn tiêu dùng. Bên cạnh đó, các chiến lược, định hướng, quy hoạch phát triển ngành từ trước tới nay chỉ có nhà nước làm thì nay cần dựa vào chiến lược phát triển thực tế của các doanh nghiệp”, ông Thiên nhấn mạnh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là bước chuyển để cấu trúc lại hệ thống năng lượng toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng máy đó. Xu hướng cơ bản sẽ là chi phí sản xuất năng lượng hóa thạch đắt lên, năng lượng tái tạo nhờ vào công nghệ hiện đại, chi phí ngày càng rẻ.
Vì thế, PGS. TS. Trần Đình Thiên đề xuất, Việt Nam cần hướng tới một nền kinh tế hiện đại, công nghệ cao, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao thay vì các ngành “cổ điển” tiêu tốn tài nguyên và năng lượng.

Đồng thời, hướng tới hệ thống năng lượng sạch và an toàn với trục chính là các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có ưu thế là điện gió, điện mặt trời... Ngoài ra, phải định hình bước quá độ hợp lý cho ngành sản xuất điện “truyền thống” – nhiệt điện (than, dầu) với những điều kiện ràng buộc khắt khe về công nghệ, hạn chế ô nhiễm.
Theo TS. Võ Trí Thành, làm sao để vừa chuyển đổi chiến lược năng lượng, vừa xử lý tốt vấn đề khủng hoảng tại những doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn lớn… là vấn đề khó. Bởi, khi nói đến năng lượng, có 4 điểm mà các nước phát triển quan tâm và chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam cũng cần đặc biệt lưu ý.

Thứ nhất là nguồn cung, cơ cấu và tốc độ thay đổi cơ cấu. Thứ hai là thị trường, chiến lược phát triển phải gắn với thị trường. Thứ ba là vai trò của ngành năng lượng, phải gắn trong nền kinh tế 4.0, song hành với dịch vụ, hạ tầng.
“Năng lượng còn là hội nhập. Chúng ta không thể né tránh xây dựng chiến lược phát triển năng lượng gắn với việc xây dựng chiến lược hội nhập cho Việt Nam. Đó sẽ là điểm cốt lõi”, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Theo Ban Kinh tế Trung ương, trong hội nhập, vấn đề năng lượng càng quan trọng, phải đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó, cần khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn năng lượng.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục