Thay đổi để thích ứng với thị trường

07:08' - 24/12/2016
BNEWS Sau khi chuyển từ mô hình đơn vị sự nghiệp quản lý đường thủy sang doanh nghiệp cổ phần, các doanh nghiệp đường thủy đang gặp phải vấn đề chung là khó khăn hơn trong tìm kiếm công ăn việc làm.
Cổ phần hóa doanh nghiệp và cơ hội để các đơn vị phải tự đổi mới để thích ứng. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, theo đại diện của các công ty này, đây cũng là cơ hội lớn để các đơn vị này phải tự đổi mới, nâng cao khả năng quản trị, mở rộng thị trường.

Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải), trước đây có 15 đơn vị quản lý đường thủy trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nhưng năm 2005, có 5 đơn vị trong số này đã thực hiện việc thí điểm chuyển sang doanh nghiệp cổ phần.

Đến năm 2015, thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá cung cấp các dịch vụ công, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện cổ phần hóa 10 đơn vị sự nghiệp công lập còn lại.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Hoàng Hồng Giang cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đường thủy bên cạnh việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần thì một biến động khác cũng làm xáo trộn đến hoạt động của các doanh nghiệp này.

 Cụ thể giữa năm 2016, các tuyến đường thủy quốc gia do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trực tiếp quản lý lần đầu tiên thực hiện việc đấu thầu bảo trì thường xuyên thay cho phương thức đặt hàng như trước đây.

Việc làm này liên quan trực tiếp đến công ăn việc làm của các công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa; trong đó có 10 công ty chỉ mới cổ phần hóa từ cách đây hơn một năm.

Là một trong 10 doanh nghiệp ngành đường thủy có được sự ổn định sản xuất sau cổ phần hóa nhờ chủ động mở rộng lĩnh vực hoạt động, ông Vũ Trung Tá, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị cổ phần hóa năm 2015) chia sẻ: “Xu hướng cổ phần hóa là tất yếu, giúp doanh nghiệp năng động hơn, đặc biệt là khả năng huy động thêm nhiều nguồn lực và thay đổi cách quản trị.

Thu nhập người lao động không còn cơ chế phân phối cào bằng như đơn vị sự nghiệp nữa. Sau cổ phần hóa, thu nhập của người lao động đã tăng lên khoảng 15- 20%, bình quân thu nhập của doanh nghiệp năm vừa qua đạt khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng”.

 Ông Tá cho biết, sau cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 đã mở rộng thêm ngành nghề như: vận tải biển, sửa chữa hoán cải tàu, kinh doanh vật liệu xây dựng…

Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì Đường thủy số 4 (trụ sở tại Bắc Ninh), sau hơn một năm cổ phần hóa, cũng như các doanh nghiệp đường thủy khác, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn, do không có tài sản để thế chấp nên không vay được vốn từ ngân hàng, vì thế việc mở rộng sản xuất bị hạn chế.

Ngoài ra, đội ngũ lao động có trình độ vừa yếu vừa thiếu, cộng thêm khả năng quản trị hạn chế dẫn đến độ nhạy bén với thị trường thường rất bị động.

“Để thích ứng với tình hình mới, ban lãnh đạo công ty đã phải nghĩ ra nhiều phương án để mở rộng hoạt động với các lĩnh vực mới như: kinh doanh xăng dầu, sản xuất đá, nước sạch, thậm chí tham gia cả xây lắp nếu liên kết được với các đối tác có năng lực”, ông Minh cho biết.

Chia sẻ những kinh nghiệm của doanh nghiệp trong những ngày đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, ông Phạm Văn Phả, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 (một trong 5 đơn vị đầu tiên của ngành đường thủy nội địa được thí điểm cổ phần hóa năm 2005 có trụ sở tại Quảng Ninh) cho biết, sau khi chuyển sang mô hình cổ phần, bước đầu tiên doanh nghiệp phải thực hiện ngay là tổ chức lại bộ máy, giảm bộ phận lao động gián tiếp xuống còn 1/3 so với trước.

Một mặt, đơn vị tiếp tục phát huy uy tín, thương hiệu 50 năm trong lĩnh vực bảo trì, điều tiết giao thông đường thủy, để tạo công ăn việc làm mới, doanh nghiệp đã mạnh dạn mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng,...

“Thời gian đầu sau cổ phần hóa, doanh nghiệp chỉ có số vốn điều lệ khiêm tốn 9 tỷ đồng. Đến nay, chúng tôi đã kinh doanh thêm tàu du lịch vịnh Hạ Long, tới đây tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 106 tỷ đồng để đầu tư thêm hai tàu du lịch, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh khách sạn”, ông Phả nói và cho biết, một trong những minh chứng về sự hấp dẫn của doanh nghiệp sau cổ phần hóa là mới đây phần vốn nhà nước tại đơn vị được bán ra với giá bằng 2,5 lần so với lần đầu phát hành.

Các doanh nghiệp đã tự mở rộng hoạt động kinh doanh. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Đánh giá về tác động của việc thực hiện đấu thầu bảo trì đối với hoạt động của các công ty bảo trì đường thủy sau cổ phần hóa, ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy nội địa Việt Nam (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành đã giảm từ 3-5% chi phí bảo trì đường thủy nội địa khi thực hiện công tác đấu thầu so với trước đây.

Ngoài ra, cái lợi nhất là các đơn vị đã chủ động hơn trong việc mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác thay vì chỉ bó hẹp trong công việc bảo trì đường thủy vốn đang bị cạnh tranh rất mạnh từ các doanh nghiệp bên ngoài.

Để giúp các doanh nghiệp ngành đường thủy từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, ông Vũ Trung Tá, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý bảo trì Đường thủy nội địa số 10 kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tạo cơ chế để duy trì nguồn việc ổn định trong hai, ba năm để có thời gian thích nghi với cơ chế thị trường bởi các công ty mới chuyển đổi đều gặp khó khăn về vốn lưu động. Đồng thời cũng đề nghị các tổ chức tín dụng có những chính sách trợ giúp cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đường thủy sau cổ phần hóa, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cho rằng, việc chuyển đổi diễn ra trong bối cảnh các đơn vị chỉ bó hẹp trong lĩnh vực bảo trì đường thủy nội địa khiến lãnh đạo một số đơn vị và người lao động chưa thể làm quen ngay với sự thay đổi này.

Do đó, gặp phải khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh là không tránh khỏi. Tuy nhiên, cổ phần hóa là điều tất yếu để xã hội hóa dịch vụ quản lý bảo trì đường thủy nội địa, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ lĩnh vực đường thủy nội địa.

“Với những khó khăn trên, các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tự đổi mới, nâng cao khả năng quản trị, tinh giản bộ máy, mở rộng hoạt động để từ đó ổn định sản xuất và vươn lên’, ông Hoàng Hồng Giang nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục