Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp - Bài 1: Vì sao chậm?

16:46' - 18/06/2018
BNEWS Để người nông dân có thể sống tốt trên mảnh đất của mình là mục tiêu cuối cùng trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Đảng, Nhà nước đang nỗ lực thực hiện.

Điều này có thể thấy rõ trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã và đang quy hoạch sản xuất từng lĩnh vực cây, con theo xu thế của nền kinh tế thị trường dựa trên cơ sở chất lượng và giá thành. Thế nhưng, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu vì còn nhiều “lực cản” và giải pháp triệt tiêu những tồn tại này cần được đánh giá từ nhiều phía.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Bài 1: Nhiều “lực cản” làm chậm thay đổi tư duy trong sản xuất

Sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng thực trạng sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều bất cập; trong đó, bất cập lớn nhất là khâu tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, mối liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp – nông dân còn lỏng lẻo.

Từ câu chuyện của lão nông Hai Dơn

Vừa nhận tiền cọc từ thương lái cho đợt thu hoạch lúa IR50404 vụ Hè Thu sắp tới, lão nông Huỳnh Tấn Dơn (Hai Dơn), 53 tuổi, ngụ tại ấp Bình Hiệp B, xã Thạnh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thở dài ngao ngán khi thương lái thông báo giá thu mua là 5.500 đồng/kg. Với tổng diện tích 1,7 ha trồng lúa IR50404, trừ hết chi phí, gia đình ông kiếm được hơn 20 triệu đồng tiền lãi sau 90 ngày canh tác.

Thế nhưng, điều khiến lão nông này ngao ngán hơn vì chưa chắc đến ngày thu hoạch, thương lái sẽ mua đúng giá 5.500 đồng/kg lúa tươi như đã cam kết. Bởi theo lời ông, với hơn 30 năm gắn bó với ruộng đồng, chuyện o ép giá thu mua lúa của thương lái xảy ra như “cơm bữa”.

“Với giá thương lái cam kết thì tôi lời được 150 đồng/kg lúa tươi, tương đương lời 1,2 triệu đồng/công lúa (1.000 m2) nhưng chắc chắn mấy ông thương lái sẽ nghĩ ra đủ lý do để ép giá xuống nữa. Đặc biệt là vụ lúa Hè Thu này, thường hay viện cớ lúa đổ ngã do mưa gió, còn không sẽ nói giá thế giới xuống để ép giá nhưng mình có biết gì đâu mà kiểm chứng”, ông Hai Dơn buồn nói.

Ngay tại thời điểm chúng tôi gặp lão nông Hai Dơn, một số doanh nghiệp kinh doanh gạo quanh khu vực huyện Lấp Vò đang chào mua gạo nguyên liệu IR50404 với giá 8.400 đồng/kg.

Theo tính toán, với mức giá thu mua của doanh nghiệp sau khi trừ chi phí bao gồm: phí cho “cò lúa”, vận chuyển, bốc vác (riêng khâu sấy, xay xát, hiện nay các cơ sở chỉ lấy trấu, không thu tiền) thì thương lái sẽ lời khoảng 1.000 đồng/kg lúa tươi. Nếu đem so sánh hai con số lợi nhuận giữa thương lái và người nông dân rõ ràng đã thấy một sự chênh lệch rất lớn trong khâu phân phối. Trong khi, người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo phải chịu rất nhiều chi phí và rủi ro.

Điều đáng nói hơn, theo lời ông Hai Dơn, hiện ông là thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Bình Hiệp B có tổng diện tích sản xuất lúa lên đến 340 ha. Thời gian qua, việc liên kết bao tiêu giữa hợp tác xã với doanh nghiệp không diễn ra thường xuyên nên tình hình sản xuất của các xã viên đều phụ thuộc hẳn vào thương lái.

“Có vụ thì doanh nghiệp vào liên kết, có vụ thì không. Chưa kể là chỉ liên kết có 40 ha trồng lúa hạt dài, còn lại thì nông dân tự tìm giống lúa đang có giá như lúa phẩm cấp thấp IR50404 để bán cho thương lái. Đến nay, hợp tác xã chỉ làm được một việc duy nhất là cung cấp dịch vụ tưới tiêu. Còn các loại vật tư khác thì vẫn mua đại lý bên ngoài và hầu hết nông dân đều mua chịu với lãi suất 24%/năm”, ông Hai Dơn cho biết thêm.

Đồng bằng sông Cửu Long được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, cũng như vựa lúa của thế giới. Ảnh minh họa: Hồ Cầu-TTXVN

Nhiều thách thức

Từ câu chuyện của lão nông Hai Dơn nói trên cho thấy một số vấn đề tồn tại, bất cập trong việc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài nguyên nhân do năng lực của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn yếu; nguyên nhân còn lại là từ việc doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ nông dân chủ yếu để đáp ứng quy định theo Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT nhằm hưởng các điều kiện ưu đãi, hỗ trợ theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; trong đó, một ưu đãi mà doanh nghiệp quan tâm nhất chính là được ưu tiên tham gia các hợp đồng xuất khẩu của Chính phủ và thông thường là các loại gạo không cần chất lượng cao.

Theo Thông tư 15, doanh nghiệp chỉ phải đáp ứng vùng nguyên liệu ít nhất 10% lượng gạo cho năm thứ nhất và đến 50% sau 5 năm. Do vậy, phần lớn các doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một khối lượng rất thấp. Thậm chí có doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc có hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà không đòi hỏi gạo phải có chất lượng đồng đều. Bởi các doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu các loại gạo thường, có thể mua dễ dàng trên thị trường thông qua thương lái.

Sâu xa hơn, theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nguyên nhân còn do các chính sách trong Quyết định 62 chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gắn với cánh đồng lớn. Đặc biệt là thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chất lượng, thương hiệu. Cụ thể, trong Quyết định 62, doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng các địa phương không có đủ quỹ đất để cho doanh nghiệp thuê; dù được hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo ruộng đồng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện.

Tuy nhiên nội dung này chỉ mang lại lợi ích cho hộ nông dân chứ không phải trực tiếp cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, đa số các doanh nghiệp liên kết là các doanh nghiệp yêu cầu sản xuất gạo chất lượng cao hoặc đạt chứng chỉ quốc tế để có giá bán cao, đủ bù đắp các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra khi liên kết. Tuy nhiên, quy mô các doanh nghiệp và sản phẩm này còn rất hạn chế.

Hệ quả của vấn đề này chính là nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu sang tư duy sản xuất hàng hóa lớn, tăng giá trị sản phẩm của Chính phủ sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn. Không chỉ dừng lại đó, tư duy của không ít doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo cũng chậm thay đổi, vẫn chọn cho mình thị trường phẩm cấp thấp. Chưa kể đến những doanh nghiệp liên kết sản xuất gạo chất lượng cao nhưng vì lợi nhuận nên đã pha trộn để giảm giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến chất lượng, đặc biệt là giảm uy tín, gây khó khăn trong việc tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Con đường giải phóng tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” cho người nông dân có thể nói gặp nhiều “lực cản”. Do vậy, để tiếp tục hướng đến mục tiêu trên cần một loạt giải pháp hữu hiệu, tác động từ nhiều phía không chỉ đến người nông dân, mà còn là nhà quản lý và hoạch định chính sách, cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp./.

Bài 2: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục